Trực thăng Nga bị bắn hạ, phi công tử nạn
Một máy bay trực thăng MI-8 đang tham gia vào Sứ mệnh Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) vừa bị bắn hạ và rơi gần Likuangole, bang Jonglei. Tất cả phi hành đoàn 4 người bao gồm phi công đều tử nạn.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga ở Nam Sudan cho biết, theo một báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn thì phi hành đoàn trên trực thăng MI-8 bao gồm tới 5 người trong đó có 4 người là công dân Nga, hãng thông tấn ITAR-TASS tiết lộ.
Chiếc trực thăng thuộc về công ty Nizhnevartovskavia Nga, có thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc để tham gia sứ mệnh tại Nam Sudan.
Một chiếc trực thăng MI-8 tham gia sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc. |
Lực lượng vũ trang của Nam Sudan, được gọi là SPLA, đã nhận trách nhiệm cho vụ bắn hạ chiếc trực thăng, UNMISS cho biết trong một thông cáo báo chí.
"Ngay sau vụ tai nạn, UNMISS và lực lượng vũ trang miền Nam Sudan đã liên lạc, trao đổi với nhau. SPLA thừa nhận, chính họ bắn rơi máy bay trực thăng trong khu vực Likuangole, bang Jonglei", phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Eduardo del Buey khẳng định. Ngoài ra, ông Eduardo cũng tuyên bố, một cuộc điều tra liên quan đến vụ tai nạn đang được tiến hành.
Theo sau tuyên bố của Liên Hiệp Quốc, một quan chức quân đội Nam Sudan lên tiếng phủ nhận bắn rơi chiếc MI-8 và đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy Nam Sudan.
Quân đội Nam Sudan, được xây dựng chủ yếu từ các chiến binh bán quân sự và lực lượng du kích, thường bị các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc “sử dụng vũ lực quá mức”. Trong một cuộc biểu tình gần đây, 10 người đã thiệt mạng khi đụng độ với quân đội Nam Sudan.
Sứ mệnh Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan được mở ra sau khi khu vực này tuyên bố ly khai khỏi Sudan vào tháng 7/2011. Sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2011, một nước Cộng hòa Nam Sudan độc lập ra đời. Tuy nhiên, nhiều tranh chấp liên quan đến các vùng lãnh thổ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, Chính phủ non trẻ của Nam Sudan cũng đang phải đấu tranh với ít nhất 7 nhóm quân nổi dậy chống chính quyền được vũ trang đầy đủ, chủ yếu hoạt động mạnh ở biên giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, các cuộc xung đột bộ lạc đã diễn ra ác liệt tại bang Jonglei từ đầu năm 2011 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải bỏ nhà cửa, quê hương đi tị nạn.
Phương Đăng
Theo Infonet