Theo South China Morning Post, từ tháng 4/2017 đến tháng 12/2020, không dưới 178 đơn khiếu nại - trung bình gần 4 đơn/tháng - đã được tờ Mainichi của Nhật Bản ghi nhận, tờ báo đang thực hiện một chiến dịch theo dõi hoạt động của máy bay quân sự Mỹ trong thành phố.
Khoảng 80% đơn khiếu nại đến từ cư dân của phường Setagaya, khu vực mà trực thăng phải bay qua để đến Căn cứ Không quân Yokota của quân đội Mỹ hoặc Cơ sở Hàng không Hải quân Atsugi và Hardy Barracks nằm ở trung tâm của Tokyo.
Trực thăng quân sự của Mỹ cất cánh từ căn cứ của Thủy quân lục chiến ở Okinawa, Nhật Bản năm 2012. Ảnh: AP. |
Trực thăng quân sự của Mỹ từ lâu đã được miễn trừ khỏi luật của Nhật Bản quy định độ cao an toàn tối thiểu cho máy bay dân sự, nhưng sự phản đối của công chúng Nhật Bản đối với sự miễn trừ đặc biệt này đã trở thành vấn đề nổi cộm gần đây.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Yoshihide Suga nói rằng việc các lực lượng Mỹ phải “bay theo quy tắc” là điều “đương nhiên”. Ông cũng khẳng định Tokyo đã yêu cầu Washington cung cấp thêm thông tin chi tiết và một lời giải thích sau các báo cáo về việc trực thăng Mỹ bay thấp.
Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka chuyên về các vấn đề quân sự, cho biết trực thăng quân sự của Mỹ đã hoạt động ở tầm thấp phía trên Tokyo trong “nhiều năm và không có lời giải thích thỏa đáng”.
“Phía Mỹ phủ nhận vi phạm các quy tắc, nhưng theo tôi thấy các quy tắc được định nghĩa không rõ ràng và điều đó có nghĩa là quân đội Mỹ đang xác định chúng theo cách có lợi nhất cho họ”, ông nói.
Theo luật pháp Nhật Bản, máy bay dân dụng trong khu dân cư phải duy trì độ cao an toàn ít nhất 300 m so với tòa nhà cao nhất gần đó. Máy bay quân sự Mỹ được miễn trừ khỏi yêu cầu về độ cao tối thiểu này theo luật dựa trên Hiệp định Tình trạng Lực lượng Mỹ - Nhật ký năm 1960.