Trực thăng chiến đấu 'made in USA' của Triều Tiên
Không ưa gì Mỹ nhưng Quân đội Triều Tiên đang sở hữu số lượng lớn trực thăng chiến đấu hạng nhẹ 'made in USA'.
Trang bị vũ khí của Quân đội Triều Tiên từ trước tới nay hầu hết đều có nguồn gốc từ Liên Xô, Trung Quốc và một phần do nước này tự sản xuất. Tuy nhiên, điều rất kỳ lạ là trong số các máy bay trực thăng trang bị cho không quân nước này có một loại do Mỹ sản xuất. Đó là 87 chiếc trực thăng đa dụng hạng nhẹ MD 500D do hãng Hughes (Mỹ) sản xuất từ năm 1976.
Năm 1985, Triều Tiên đã nhập khẩu thành công 87 chiếc MD 500D từ một công ty của Đức. Theo một số nguồn tin, khung thân 87 chiếc MD 500D được sản xuất tại cơ sở ở Hàn Quốc, lắp ráp ở Mỹ.
MD 500D là biến thể của trực thăng đa dụng hạng nhẹ MD 500 do hãng Hughes Helicopter (Mỹ) nghiên cứu thiết kế từ những năm 1970.
Kiểu dáng trực thăng thiết kế theo truyền thống với cánh quạt chính (4 lá) trên đỉnh thân và cánh quạt đuôi triệt tiêu mô men xoay.
Trực thăng MD 500D có khả năng vũ trang rocket, súng máy để tấn công mục tiêu mặt đất. Ảnh minh họa. |
Trực thăng có chiều dài 9,4m, cao 2,48m, đường kính cánh quạt 8,03m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,15 tấn. Cabin nhìn khá giống “quả trứng”, nhỏ gọn, nó chỉ cho phép chứa tối đa 7 người (gồm 1-2 phi công và 5 hành khách).
MD 500D trang bị động cơ tuốc bin trục Alison 250-C20B công suất 420 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 282km/h, tầm bay 429km, trần bay 4.877m.
Tuy những chiếc trực thăng MD 500D được phát triển cho mục đích dân sự, nhưng nó hoàn toàn có thể dễ dàng chuyển đổi sang mục đích quân sự.
Người Mỹ “thừa hiểu” điều đó, và nếu như họ kiểm soát tốt thì có thể ngăn cản được đồng minh thân cận – Cộng hòa Liên bang Đức không xuất khẩu. Dù vậy, không hiểu vì lý do gì các cơ quan kiểm soát của Mỹ đã không thể ngăn cản.
Theo một số nguồn tin, trong số 87 chiếc MD 500D, Triều Tiên đã cải tiến ít nhất 60 chiếc mang vũ khí để tấn công.
Việc sửa đổi này cho phép MD 500D tấn công tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ hoặc yểm trợ hỏa lực cho ác đơn vị mặt đất. Ngoài ra, chiếc máy bay này cũng có thể thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát nếu cần. Tuy nhiên, do là biến thể dân sự nên nó sẽ thiếu khí tài trinh sát cần thiết nên khả năng này có thể bị hạn chế.
Đáng lưu ý, dòng máy bay này cũng có mặt trong Không quân Hàn Quốc với những chiếc thuộc biến thể quân sự gọi là 500MD. Tuy thuộc biến thể khác, nhưng kiểu dáng 2 loại này không có nhiều sự khác biệt. Tất nhiên nó vẫn tồn tại điểm khác nhưng với người lính bình thường thì việc phân biệt là không dễ dàng.
Vì thế, có những lo ngại rằng, Triều Tiên có thể sơn những chiếc 500D giống màu sơn và phù hiệu trực thăng Hàn Quốc. Qua đó, họ có thể đột nhập dễ dàng vào không phận Hàn Quốc để do thám.
Vấn đề này có thể được giải quyết nếu sử dụng hệ thống phân biệt bạn – thù. Nhưng đó là trong trường hợp hệ thống radar phát hiện sự có mặt bất thường của một chiếc trực thăng “lạ”. Còn nếu Triều Tiên khéo léo, che giấu sự có mặt (bằng việc bay ở độ cao thấp) tránh radar thì thật hết sức nguy hiểm đối với Hàn Quốc.
Theo Kiến thức