Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trụ cầu Vĩnh Tuy nứt do co ngót bê tông?

Được đưa vào khai thác từ tháng 9/2009 với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng nhưng đến nay, cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) đã xuất hiện nhiều vết nứt.

Vị trí những vết nứt này  được phát hiện trên trụ H22 nằm ở vị trí giữa sông Hồng. Đây là một trong những trụ đỡ nhịp chính của cầu.

Theo quan sát của phóng viên, trụ H22 xuất hiện vết nứt từ chân kéo dài theo tim trụ lên đến giữa thân ở cả 2 mặt trụ phía Hà Nội và Long Biên. Riêng vết nứt ở chân trụ tiếp giáp nền đất thuộc mặt trụ phía Hà Nội có hiện tượng rỉ nước, bê tông phồng lên. Đặc biệt phần mặt trụ phía Long Biên, ngoài vết nứt dọc kéo dài chính giữa còn có nhiều vết nứt ngắn theo chiều dọc ở chân trụ. Tại đây cũng có một vết nứt chéo từ gần tim trụ lên trên, kéo dần về phía Bắc của trụ. Trong khi đó, các trụ khác vẫn có bề mặt trơn nhẵn, không xuất hiện tình trạng nứt như trụ H22.   

Trụ H22 bị nứt đang đỡ một trong những trụ chính của cầu Vĩnh Tuy.

Theo Sở GTVT Hà Nội (đơn vị quản lý cầu Vĩnh Tuy), sáng 19/2, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra trụ H22 với sự tham gia của các bên liên quan cùng tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng.

Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT - cho biết đoàn đã kiểm tra trực quan hiện trường tại vết nứt dọc trên trụ H22 và họp thống nhất đánh giá hiện tượng, nguyên nhân và giải pháp xử lý.

Sau cuộc họp, chiều 19/2, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Theo đó, Sở GTVT cho biết vết nứt dọc trụ H22 có độ rộng 2,3 đến 2,6mm, chiều dài từ điểm tiếp giáp đất lên trụ khoảng 10m. Nguyên nhân theo đánh giá ban đầu có thể do co ngót bê tông, phải theo dõi.

Dưới chân trụ H22 phía mặt Long Biên còn xuất hiện nhiều vết nứt khác.

Về khả năng chịu lực của cầu, Sở GTVT đánh giá công trình đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước cầu Vĩnh Tuy nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vết nứt dọc trụ 22 không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn. “Thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi”- Sở GTVT cho biết.

Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu quan trọng nối tuyến đường vành đai II từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên, Gia Lâm, khởi công ngày 3/2/2005. Dự án cầu Vĩnh Tuy gồm chiều dài tuyến chính 5,8km, trong đó cầu chính vượt sông Hồng dài 3,7km. Đây là một trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch phát triển thủ đô đến năm 2020.  Dự án được UBND TP Hà Nội giao Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI). Viện Khoa học công nghệ GTVT làm tư vấn giám sát. Đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Thăng Long.

Chiều 19/2, ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết chiều cùng ngày Cục này đã nhận được báo cáo ban đầu của Sở GTVT Hà Nội về tình trạng nứt trụ H22 cầu Vĩnh Tuy.

Nhận định hiện tượng nứt trụ là do co ngót bê tông như báo cáo của Sở GTVT có thuyết phục không, ông Hùng cho hay đây là báo cáo ban đầu và do sở GTVT ghi nhận nên Cục chưa đánh giá chính thức được. Về việc xử lý vết nứt bằng cách bơm keo, ông Hùng cho rằng đó chỉ là xử lý tình thế bước đầu. “Căn cứ theo phân cấp, cục sẽ chỉ đạo đoàn kiểm tra thực tế hiện trường để đánh giá mức độ của sự cố. Còn việc thuê tư vấn độc lập để kiểm định trụ cầu sẽ do chủ đầu tư thực hiện theo công trình, vì đây là công trình đã đưa vào sử dụng và có thời gian bảo hành nhất định của nó” - ông Hùng nói.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/594521/tru%CC%A3-ca%CC%80u-vi%CC%83nh-tuy-nu%CC%81t-do-co-ngo%CC%81t-be-tong.html#ad-image-0

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm