Trong hiệp 1 của trận đấu, ông Ahmad Alali đã bỏ qua hàng loạt tình huống cầu thủ Indonesia vào bóng thô bạo với cầu thủ Việt Nam. Trong pha bóng tiền vệ Tuấn Anh bị cầu thủ Indonesia lao vào đạp bóng bằng gầm giày, trọng tài người Kuwait thậm chí không phạt thẻ vàng.
Ngay sau tình huống trên, hàng loạt nhóm có tên "Anti Trọng tài Ahmad Alali" xuất hiện trên Facebook, nhóm đông nhất có hơn 60.000 người tham gia, trong khi một số nhóm khác có từ hàng chục đến hàng nghìn thành viên.
Hàng loạt nhóm anti trọng tài Alali xuất hiện sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Indonesia rạng sáng 8/6. |
Thông tin về Ahmad Alali, trọng tài bắt chính trận đấu giữa tuyển Việt Nam - Indonesia đã được chia sẻ rộng rãi trên Internet từ khi bóng chưa lăn.
Nhiều người tràn vào Facebook cá nhân của ông Alali, để lại các bình luận như "bắt cẩn thận nhé", "thổi không chuẩn nghỉ dùng Facebook nhé anh". Một số trang Facebook thảo luận về bóng đá, thu hút hàng triệu người theo dõi cũng đăng bài với nội dung tương tự.
Facebook của ông Alali ngập tràn bình luận chửi rủa sau hiệp 1, cho rằng trọng tài này đã nương tay với pha vào bóng thô bạo của các cầu thủ Indonesia. Một số người thậm chí ghép ảnh trọng tài Alali lên bàn thờ.
Hàng loạt bình luận tấn công trang Facebook của trọng tài Alali. |
Bài viết công khai mới nhất trên trang của ông Alali, đăng ngày 7/4 có hơn 4.000 lượt phẫn nộ, hàng nghìn bình luận công kích từ các tài khoản tiếng Việt. Những bài viết khác trên trang của "vua áo đen" này cũng bị tấn công bởi các bình luận, cảm xúc.
Trên các nhóm tẩy chay, nhiều người đăng bài phẫn nộ, xin đường dẫn đến Facebook của ông Alali để thóa mạ trọng tài người Kuwait. Một số người còn đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn chửi bới, được gửi đến Facebook của ông Alali.
Bên cạnh nhiều bình luận phản cảm, một số người viết "Cảm ơn trọng tài" khi Việt Nam ghi 4 bàn trong hiệp 2. Vụ việc tạo ra cảnh tượng hỗn loạn trên Facebook cá nhân của trọng tài Alali người Kuwait sau trận bóng.
Trọng tài Alali từng có nhiều kinh nghiệm làm các giải quốc tế lẫn vòng loại World Cup. Thống kê của Worldreferee cho thấy ông Alali rút thẻ khá ít, tỷ lệ 1,1 thẻ vàng/trận.
Đây không phải lần đầu tài khoản Facebook của các trọng tài bị tấn công bởi người dùng Việt Nam. Sau trận đấu vòng loại World Cup 2022 giữa Việt Nam - Thái Lan hồi tháng 11/2019, trang cá nhân của trọng tài Ahmed Al-Kaf người Oman đã bị tấn công.
Nhiều người cho rằng ông Al-Kaf chưa làm tốt nhiệm vụ bắt chính, số khác thậm chí để lại nhiều bình luận có ý xúc phạm trọng tài 36 tuổi. Đáng nói khi trước trận đấu, cũng chính dân mạng Việt Nam liên tục khen ngợi, chào đón ông tới Việt Nam.
Năm 2018, trọng tài Muhd Taqi Aljaafari Bin Jahari người Singapore, điều khiển trận đấu giữa U23 Việt Nam - U23 Qatar cũng hứng chịu chỉ trích sau trận đấu.
Bức xúc khi cho rằng vị trọng tài này đã xử ép đội U23 Việt Nam, nhiều người đã lục tìm Facebook của ông, buông những lời mắng chửi khó nghe, thậm chí ghép ảnh ông lên bàn thờ. Tuy nhiên, hành động phản cảm này nhanh chóng bị "ném đá" vì đi quá giới hạn.