Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trong nhà tù lớn nhất Mỹ, tù nhân vẫn buôn bán, kinh doanh

Cuốn sách sắp xuất bản cho thấy dù trong điều kiện giới hạn nhất, nhà tù ở Mỹ vẫn hình thành hệ thống kinh tế, buôn bán “ngầm”, đầy tính sáng tạo và phức tạp.

Năm 1961, khi mới 19 tuổi, Wilbert Rideau bị đưa vào nhà tù bang Louisiana với tội giết người, cướp ngân hàng. Ông được gắn thẻ C-18. C là viết tắt của “condemned”, và 18 là số thứ tự của ông trong danh sách tử tù.

Nhà tù này còn được biết đến với biệt danh Angola, tên đồn điền trước đây ở cùng địa điểm.

Nhưng thay vì chết trên ghế điện, ngày nay ông không những thoát chết, mà còn trở thành cựu tù nhân nổi tiếng nhất của nhà tù Angola. Ông đã bị biệt giam hơn một thập kỷ, nhưng rất ham đọc và đã tìm đến với báo chí, viết lách, trở thành người biên tập của tạp chí hàng tháng của nhà tù, tờ Angolite. Tạp chí này đoạt nhiều giải quốc gia trong 20 năm biên tập của ông.

Chủ đề đầu tiên mà ông viết là kinh tế trong tù, cũng là chủ đề trong cuốn sách sắp được xuất bản của tác giả Richard Davies có tựa đề Extreme Economies: Survival, Failure, Future – Lessons from the World’s Limits  (Kinh tế khắc nghiệt: Sống sót, thất bại, tương lai - bài học từ tận cùng của thế giới).

Hứng thú với câu chuyện của Rideau, tác giả Davies đã tới nhà tù Angola để nghiên cứu, và phát hiện ra hẳn một hệ thống kinh tế, buôn bán, thị trường, cả chính thức lẫn “chợ đen”, mang đầy tính sáng tạo và phức tạp trong điều kiện khắc nghiệt.

cuoc song trong nha tu My anh 1
Tù nhân trong nhà tù Angola. Ảnh: Getty Images.

Thời gian trong tù bị "kéo dãn"

Mỹ hiện có 2,3 triệu tù nhân - nhiều nhất trên thế giới. Bang Louisiana có tỷ lệ tù nhân cao thứ hai ở Mỹ, nhưng chỉ có Angola là nhà tù an ninh tối đa duy nhất.

Theo Guardian, Angola cũng là nhà tù lớn nhất nước Mỹ, rộng khoảng 73 km2 (tức hơn gấp đôi diện tích quận Ba Đình ở Hà Nội hoặc quận 7 ở TP.HCM). Với quy mô như vậy, Angola là mục tiêu nghiên cứu lý tưởng của ông Davies.

Một khi bị đưa vào đây, các tù nhân nhanh chóng hiểu rõ thế nào là thiếu thốn. Họ được phát trang phục tù nhân, bánh xà phòng, và một ít kem bôi theo tiêu chuẩn, nhưng ai cũng muốn nhiều hơn: thuốc khử mùi, quần jean tử tế, đôi giày. “Nhận tiêu chuẩn rồi, nếu muốn thêm thứ gì cũng phải cố gắng kinh khủng”, cựu tù nhân Rideau nói với tác giả Davies.

Muốn đặt một cuốn sách hay nếu được ai đó gửi sách, phải mất 6 tháng vì nhà tù còn phải duyệt. Đó là câu chuyện lặp đi lặp lại trong nghiên cứu của ông Davies: trong tù, thời gian như bị kéo dài ra vô tận.

Cảm giác thời gian ở đây bị “kéo dãn” cũng một phần vì các bản án ở Louisiana đều dài. Cải cách năm 2017 đã giảm bớt các án tù, nhưng trước đây, tội giết người hay đồng phạm giết người đều xử tối thiểu án chung thân. Tái phạm một tội nào đó, bản án tăng gấp đôi. Phạm cùng một tội bốn lần, bản án tối thiểu là 20 năm tù.

Chính vì vậy mới có chuyện Timothy Jackson, ăn trộm chiếc jacket hơn 20 năm trước nhưng chịu án cả đời trong Angola. Bản án trung bình ở đây: 90 năm tù.

Bên trong, các đồ vật giản đơn lại có giá trị khổng lồ, có thể là thứ “đổi đời”. Trong cuốn hồi ký In the Place of Justice (Nơi thực thi công lý), ông Rideau viết về phòng biệt giam: ba phía là tường bằng đá, phía còn lại là song sắt mà lính gác nhìn qua, mùa đông có gió lùa. Chỉ một cái chăn cũng là sự “đổi đời”, mang lại cho tù nhân sự riêng tư và ấm áp.

cuoc song trong nha tu My anh 2
Bên trong nhà tù Angola. Ảnh: Getty Images.

“Nhặt nhạnh từng xu” trong tù

Tù nhân ở Angola có thể làm những công việc như trồng ngô, lúa mì, đậu tương hay cây bông, kiếm doanh thu về cho nhà tù (29 triệu USD vào năm 2016). Đó là những công việc vất vả nhất: làm việc cả ngày, thậm chí dưới cái nóng 38 độ C của tháng 8 miền Nam nước Mỹ. Nhưng trong tù, làm việc là bắt buộc.

Nếu vô tình chọc thân cây vào tù nhân khác, có thể dẫn đến đánh lộn. Nếu vô tình bị đứt tay, lính gác có thể tưởng là tự tử, dẫn đến điều tra phiền toái. Nếu 10 năm không có sự vụ gì, tù nhân được đưa vào diện “hành vi tốt”, có thể được chuyển việc khác, làm ở câu lạc bộ đánh golf hoặc lau dọn cho bảo tàng của nhà tù. Nhưng nếu vướng vào sự vụ gì, 10 năm đó sẽ bị tính lại từ đầu.

Nếu thời gian trong Angola bị “kéo dãn” thì mức lương ở đây lại “co lại”, chỉ ở mức 2-20 cent/giờ. Công việc chăm vườn cây có lương 4 cent/giờ, một tuần kiếm 1,6 USD. Phải 181 giờ (4 tuần rưỡi làm 40 tiếng/tuần) mới bằng lương tối thiểu một giờ của một người làm bên ngoài.

Mỗi năm được tăng lương 4 cent/giờ, nhưng nếu bị nghi lấy cắp chiếc cờ lê như một tù nhân trong ví dụ mà ông Davies nhắc tới, danh hiệu “hành vi tốt” sẽ bị tước mất, và mức lương sẽ tụt ngay xuống dưới cùng.

Sau khi “nhặt nhạnh từng xu” theo đúng nghĩa đen, tù nhân có thể tiêu tiền ở 7 tiệm tạp hóa trong Angola, bán quần áo, giày dép, và quan trọng nhất là đồ ăn. Ba bữa mỗi ngày của họ luôn rất “vô vị”, còn khi đến tiệm, họ có thể mua nước sốt cay ngọt Á Đông, dưa muối thì là, hay snack phô mai vị ớt.

Các tù nhân hiểu rằng họ không có quyền thương lượng, dù biết rằng đang bị “chặt chém”. Giá cả tăng nhanh gấp nhiều lần so với lương: lương giữ nguyên từ những năm 1970 tới nay, còn giá hộp thuốc lá tăng từ 50 cent lên 8 USD, tức tù nhân phải làm cả tuần mới mua được, thay vì nửa ngày như trước.

Nhưng dù có đi bang nào, tù nhân cũng sẽ bị “chém” như vậy. Pháp luật không bắt buộc trả lương cho tù nhân.

Tu chính án số 13 trong Hiến pháp Mỹ cấm mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc nô lệ, “trừ khi là án phạt cho tội hình sự”. Tù nhân ở bang Georgia phải làm đồ gỗ, biển báo giao thông không lương. Ở Missouri hay ở Anh, lương cũng thấp tương tự, và các đồ “đổi món” như mì gói, lạc rang muối cũng đắt tương tự ở Mỹ.

cuoc song trong nha tu My anh 3
Cuộc sống bên trong nhà tù Angola. Ảnh: Getty Images.

Kinh tế chính thống và kinh tế ngầm

Theo cách nào đó, kinh tế trong nhà tù Angola như một thị trấn bình thường, có việc làm, thu nhập, tăng lương, giảm lương, có mua sắm, cửa tiệm. Nhưng như mức lương, mức giá trong tiệm tạp hóa nói trên đã cho thấy, đây là nền kinh tế trong đó mức lương bao nhiêu không tác động đến giá cả, khác hẳn so với bên ngoài

Những mối liên hệ có thể nói là quan trọng nhất ở bên ngoài - giữa cung với cầu, giữa thu nhập và giá cả, khu vực thu nhập thấp, giá cả sẽ phải thấp hơn - đã bị phá vỡ.

Hay ít nhất, đó là nền kinh tế “chính thống” - do nhà tù tạo ra. Còn trong nền kinh tế “ngầm”, thực tế đảo ngược hoàn toàn một cách khó ngờ, theo cựu tù nhân Wilbert Rideau.

Trong nền kinh tế “ngầm” này, những thứ tưởng là dễ lại là khó, tưởng khó lại hóa dễ. Ông trùm John Goodlow, “vua hồ đào 20 năm của Angola”, là một ví dụ. Ông tự làm và bán kẹo praline hồ đào (pecan praline) “ngon hơn cả bên ngoài”, bán 2 USD một thanh, luôn cháy hàng từ khi chưa làm xong, theo ông Rideau.

Làm thế nào mà Goodlow làm được loại kẹo này, cần nhiều nguyên liệu, nồi, chảo và lò nướng? Nhưng ông Rideau nói với tác giả Davies rằng “tù nhân không hẳn là không có chút sức mạnh nào”.

“Nguồn sức mạnh của họ là phản đối, bạo lực, hay đơn giản là phá hoại các hoạt động, gây khó dễ cho quản ngục”. Điều đó buộc quản lý trại giam phải hợp tác, và làm ngơ cho một số yêu cầu.

Hiểu được điều này, việc “kì kèo”, thương lượng là có thể đối với một số đòi hỏi nhỏ. Và như vậy, việc tuồn vào một cái chảo không có gì to tát.

Nhưng những thứ khác quá đỗi bình thường ở bên ngoài lại bị nghiêm cấm trong tù - bất cứ thứ gì có thể hỗ trợ dù là nhỏ nhất cho việc bỏ trốn hay hành hung.

Cấm điện thoại, dao kéo, bật lửa, ma túy là dễ hiểu, nhưng có những cái cấm khác không quá hiển nhiên. Chẳng hạn, mứt marmite có chứa men nở (yeast), có thể dùng để làm bia. Kẹo cao su có thể được dùng để đánh chìa khóa mới. Dầu massage trẻ em có thể làm tay phạm nhân trơn đến mức lính gác không thể kiềm chế.

Ngoài ra, tiền mặt là hàng cấm nghiêm ngặt nhất trong tù (lương tù nhân được chuyển vào thẻ). Như vậy để tù nhân không thể hối lộ quản ngục.

Mặc dù một số tù nhân được quản ngục làm ngơ để buôn bán: làm kẹo hồ đào, bán gà rán, cắt tóc, xăm... họ vẫn không thể nhận tiền, vì cầm tiền là quá rủi ro. Như vậy, nhà tù Mỹ là những nơi duy nhất trên Trái Đất mà đồng USD không được chấp nhận.

cuoc song trong nha tu My anh 4
Bất cứ thứ gì có thể hỗ trợ dù là nhỏ nhất cho việc bỏ trốn hay hành hung đều bị cấm trong tù. Ảnh: Getty Images.

Dùng thẻ nạp tiền trao đổi hàng hóa, mua ma túy

Các nhà tù luôn có truyền thống lâu đời trong việc phát minh ra đồng tiền mới. Dễ dàng nhất là thuốc lá: gọn nhẹ, giữ được lâu, có thể dùng cho các mệnh giá từ nhỏ đến lớn.

Nhưng năm 2015, thuốc lá bị cấm. Cùng thời điểm đó, một loại ma túy tổng hợp mới có tên mojo bắt đầu xâm nhập vào trong tù, trở thành “cơn sốt” được các tù nhân tiêu thụ số lượng lớn.

Nhưng bây giờ, họ không còn đồng tiền để có thể dễ dàng buôn bán mojo nữa dù nhu cầu rất cao. Hệ quả là, nhà tù Angola đã thích ứng rất nhanh, phát minh ra đồng tiền mới, áp dụng công nghệ.

Mojo được các tù nhân vô cùng ưa chuộng, một phần vì quản lý nhà tù không thể xét nghiệm để phát hiện tù nhân nào đang dùng. Nhưng mojo phải được tuồn vào trong tù, và các đồng tiền “trong tù” như thuốc lá không thể dùng để trả cho những kẻ buôn lậu. Vì vậy các tù nhân buộc phải trả cho chúng “tiền tươi thóc thật”.

Nhưng không phải những xấp USD (mà chó nghiệp vụ có thể đánh hơi), mà các tù nhân đã dùng sản phẩm của hệ thống ngân hàng hiện đại: thẻ nạp tiền trả trước MoneyPak. Nói ngắn gọn, tù nhân sẽ nhờ bạn bè ở bên ngoài mua một thẻ MoneyPak (đã nạp tiền), và lấy số thẻ 14 chữ số. Tù nhân sẽ dùng số thẻ 14 chữ số đó để đổi lấy ma túy với tù nhân khác hoặc với một quản ngục.

Những cựu tù nhân ở Angola nói nhờ những dịch vụ đơn giản như cắt tóc, kẹo hồ đào, sách, xăm mình, thanh toán bằng những đồng tiền “chui” như thuốc lá, hay cà phê, mì gói và cá hộp (sau khi thuốc lá bị cấm), hay thẻ nạp tiền, mà họ cảm thấy các bản án kéo dài trong nhà tù “dễ thở” hơn.

Tác giả Davies kết luận trong bài viết cho Guardian rằng các nghiên cứu trên cho thấy dù trong điều kiện giới hạn, các tù nhân vẫn tìm đủ mọi cách, cả những cách sáng tạo nhất có thể, để tạo ra nền kinh tế “ngầm” giúp họ buôn bán những thứ có nhu cầu.

Tỷ phú ấu dâm Mỹ nghi tự tử: Nạn nhân bất bình, nhà tù bị chỉ trích

Các nạn nhân thất vọng vì không thể đối diện Jeffrey Epstein, kẻ từng “hủy hoại cuộc đời” họ, và đòi lại công bằng. Nhà tù bị chỉ trích vì Epstein bị nghi đã cố tự tử tháng trước.

Bên trong nhà tù an ninh tối đa của Mỹ giam trùm ma túy El Chapo

El Chapo, trùm ma túy khét tiếng của Mexico, vừa nhận án tù chung thân tại nhà Mỹ. Nhiều khả năng "ông trùm" sẽ được giam tại nhà tù liên bang ADX với mức an ninh tối đa.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm