Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trong khi Mỹ vẫn tưởng ‘như cúm mùa’, châu Á đã tiến trước một bước

Châu Á kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhờ hành động quyết liệt, khẩn trương, tập trung nguồn lực và giám sát nghiêm ngặt, điều các nước phương Tây có thể học hỏi trước khi quá muộn.

Vào ngày 31/12, khi nhà chức trách ở Vũ Hán thông báo về sự xuất hiện của một loại virus lạ gây viêm phổi cấp với 27 ca nhiễm có liên quan đến một chợ bán buôn hải sản, họ nói rằng bệnh này có thể phòng tránh và kiểm soát được, cho biết "không có dấu hiệu rõ ràng của sự lây nhiễm từ người sang người".

Nhưng ngay lúc đó, chính quyền nhưng vùng lãnh thổ giàu có ở sát sườn Trung Quốc đại lục - Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc - đã nhanh chóng hành động, lý do là bởi họ đã rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ.

"Chúng tôi từng là những nước có dịch SARS", Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore, cho biết. "Tất cả chúng tôi đều bị sốc nặng vì SARS, nhưng đây hóa ra lại là một cái may cho chúng tôi".

Quyết tâm chính trị, các nguồn lực tập trung, sự theo dõi nghiêm ngặt và sự trách nhiệm của cộng đồng đã giữ cho số ca mắc bệnh và tử vong vì corona ở Đài Loan, Hong Kong và Singapore ở mức tương đối thấp.

Đối mặt với làn sóng xâm nhập chưa từng thấy của virus từ bên ngoài, cả Đài Loan, Hong Kong và Singapore đã ban hành các lệnh cấm đi lại, về cơ bản là đóng cửa biên giới với người nước ngoài hoặc yêu cầu cách ly 14 ngày, nhằm ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Đây là bài học dành cho Mỹ và châu Âu trong lúc họ đang phải vật lộn với hàng nghìn ca nhiễm mới và bối rối tìm cách xử lý khủng hoảng.

chau A chong dich anh 1

Binh sĩ Hàn Quốc tham gia chống dịch tại một con phố ở Seoul, Hàn Quốc ngày 4/3. Ảnh: Reuters

Chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc thông báo về ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong đã lập tức yêu cầu các bác sĩ địa phương lấy thông tin về lịch sử đi lại và phơi nhiễm từ những bệnh nhân bị sốt và có các triệu chứng hô hấp cấp tính, đồng thời tiến hành cách ly các bệnh nhân này.

Ở Đài Loan, các quan chức lên các chuyến bay xuất phát từ Vũ Hán và kiểm tra các triệu chứng của hành khách trước khi cho phép họ khởi hành. Trong vòng vài ngày, Singapore, Hàn Quốc và các nước châu Á khác đã tiến hành các biện pháp tương tự.

Các nền kinh tế châu Á liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục là những nước đầu tiên bị virus corona tấn công. Tuy nhiên, con số 100 ca nhiễm ở Đài Loan, 181 ca nhiễm ở Hong Kong và 266 ca ở Singapore cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của các nước này thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.

Tây Ban Nha ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm, bang New Work của Mỹ, nơi quy mô dân số tương đương Đài Loan, có tới hơn 2.300 người mắc bệnh.

Các chuyên gia kêu gọi các nước bao gồm Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha tận dụng thời gian áp dụng các biện pháp cách ly, giữ khoảng cách xã hội và phong tỏa nhằm tái thiết lập và triển khai chiến lược đối phó với dịch bệnh trước khi quá muộn. Dù vậy, các nước phương Tây này nói, đơn giản là họ chưa sẵn sàng.

Không chần chừ

Sau khi vào cuộc nhanh chóng, các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát biên giới trước tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng rộng.

Trước đó, một năm sau dịch SARS, Đài Loan đã thành lập Trung tâm chỉ đạo y tế quốc gia (NHCC) tập hợp tất cả các cấp ban ngành của chính phủ, nhằm chuẩn bị cho khả năng bùng phát một dịch bệnh mới. Sự can thiệp của NHCC trong 2 tháng qua đóng vai trò quyết định trong việc giữ cho Đài Loan không rơi vào khủng hoảng, C. Jason Wang, giám đốc Trung tâm Chính sách, Kết quả và Phòng ngừa tại Đại học Stanford, đánh giá.

"Họ không chần chừ, họ không muốn chết", ông Wang nói. "Tỷ lệ tử vong (của SARS) đã quá cao và họ không biết dịch bệnh lần này sẽ tệ đến thế nào. Không ai nghĩ đó chỉ là cúm".

Ngay từ ngày 5/1, Đài Loan đã tìm kiếm những người từng ở Vũ Hán trong vòng 14 ngày trước đó và cách ly những người có triệu chứng viêm đường hô hấp.

chau A chong dich anh 2

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan kiểm tra hành khách trên chuyến bay từ Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Trong những tuần kế tiếp, chính quyền Đài Loan đã sử dụng dữ liệu và công nghệ để xác định và theo dõi các ca nhiễm, truyền thông hiệu quả để trấn an dân chúng, cung cấp cứu trợ cho các doanh nghiệp và phân bổ các nguồn lực y tế đến những nơi cần nhất.

Ngày 27/1, Đài Loan tích hợp cơ sở dữ liệu của Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia và Cơ quan Di trú Quốc gia, cho phép họ theo dõi tất cả những người từng ở Vũ Hán gần đây và cảnh báo các bác sĩ về lịch sử đi lại của bệnh nhân.

Đài Loan hiện hy vọng sẽ giảm số lượng ca nhiễm, đồng thời yêu cầu người dân không đi du lịch nước ngoài sau khi phát hiện thêm 23 ca nhiễm mới hôm 18/3, cũng là con số cao nhất trong một ngày. Đài Loan cũng cấm nhập cảnh với hầu hết người nước ngoài.

Xét nghiệm rộng khắp

Hàn Quốc tuy có số người chết cao hơn Hong Kong, Đài Loan hay Singapore nhưng là nước đi đầu trong việc tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, nhờ rút kinh nghiệm từ thất bại trong quá khứ. Năm 2015, việc không có đủ bộ xét nghiệm đã khiến cho dịch MERS ở Hàn Quốc thêm trầm trọng, với số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới chỉ sau Saudi Arabia.

Trong khi Mỹ và Nhật Bản tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xét nghiệm thông qua một cơ quan trung ương, Hàn Quốc mở rộng quy trình này cho khu vực tư nhân bằng cách cấp phép "phê duyệt sử dụng khẩn cấp" để tiến hành xét nghiệm cho những mầm bệnh có khả năng gây đại dịch.

chau A chong dich anh 3

Hàn Quốc triển khai xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát hiệu quả sự lây lan của virus corona. Ảnh: Time.

Hơn 26.000 người ở Hàn Quốc đã được xét nghiệm virus corona, con số cao nhất trên thế giới tính theo đầu người, phí xét nghiệm cũng như điều trị được chính phủ chi trả cùng hoạt động hiệu quả của các điểm xét nghiệm tại chỗ - đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Trong chuyến thăm đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc hôm 18/3, Tổng thống Moon Jae-in khen ngợi chương trình xét nghiệm rộng khắp là "một thành tựu to lớn được công nhận trên toàn thế giới".

Singapore, Hong Kong và Nhật Bản đều hưởng lợi nhờ năng lực triển khai xét nghiệm hiệu quả. Các nước này đều phát triển các bộ chẩn đoán riêng của họ sau khi chuỗi gen của virus corona được công bố.

Người dân tự giác

Nằm ngoài Trung Quốc đại lục, Hong Kong là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch SARS vào năm 2003 với khoảng 300 người chết, thành phố đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trước khi quá muộn.

Lần này, người dân Hong Kong đã tự giác vào cuộc ngay từ đầu mà không cần chính quyền phải thúc giục. Khu tài chính của thành phố bỗng chốc trở thành "thị trấn ma" vào đầu tháng 2 khi hàng loạt công ty đóng cửa văn phòng. Các tiệm bánh vốn tấp nập người mua mỗi cuỗi tuần bỗng trở nên vắng vẻ.

Tiệc tùng, đám cưới và các cuộc tụ tập gia đình bị hủy dù không có lệnh từ chính phủ. Hầu hết mọi người đều trang bị khẩu trang, ước tính khoảng 74 đến 98% người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra đường - một nghiên cứu gần đây cho biết. Việc tự giác cách ly xã hội được xem là lý do quan trọng giúp giữ cho tỷ lệ mắc bệnh ở mức thấp.

chau A chong dich anh 4

Người dân Hong Kong đeo khẩu trang và mặc áo mưa để phòng ngừa lây nhiễm virus corona. Ảnh: Reuters.

"Người dân Hong Kong rất nghiêm túc đối với các việc như cách ly, đeo khẩu trang và cách ly xã hội", Keiji Fukuda, Giám đốc trường Đại học Y tế công cộng Hong Kong và là cựu trợ lý Tổng giám đốc WHO, chuyên phụ trách về an ninh sức khỏe, cho biết.

Giám sát hiệu quả

Bằng những ứng dụng công nghệ như vòng tay điện tử hay phần mềm theo dõi điện thoại thông minh, các khu vực châu Á kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo bệnh nhân nghi nghiễm virus tuân thủ các lệnh cách ly, việc giám sát được hỗ trợ bởi luật pháp thắt chặt sau dịch SARS.

Singapore thông qua Cục Điều tra Hình sự (CID) để điều tra kỹ lưỡng từng trường hợp mắc bệnh, quá trình thu thập thông tin còn sử dụng cả dữ liệu ví điện tử của người bệnh. Những người nói dối sẽ bị phạt hành chính thậm chí phải ngồi tù.

Singapore được đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc phát hiện các ca nhiễm. Washington Post dẫn một nghiên cứu của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm ở Harvard cho biết Singapore có khả năng phát hiện người nhiễm bệnh cao gấp 2,5 lần so với mức trung bình toàn cầu, nhờ có "năng lực theo dõi và giám sát dịch tễ học hết sức hiệu quả".

chau A chong dich anh 5

Người dân Singapore được giám sát chặt chẽ để nhanh chóng phát hiện và kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Euromoney.com.

Hàn Quốc tiến hành thu thập thông tin về lịch trình di chuyển của người nhiễm bệnh, tạo bản đồ khuyến cáo về các khu vực cần tránh và thông báo đến người dân qua điện thoại thông minh.

Đài Loan cũng theo dõi vị trí của người dân thông qua ứng dụng smartphone: Người dùng nhận được tin nhắn nhắc nhở nếu ở cách nhà quá xa và sẽ bị cảnh sát "thăm hỏi" nếu tiếp tục phớt lờ các cảnh báo.

Ở Hong Kong, tất cả những thuộc diện cách ly bắt buộc phải kích hoạt ứng dụng chia sẻ vị trí theo thời gian thực trên điện thoại của họ, hoặc đeo vòng tay điện tử để theo dõi.

Tất cả các khu vực này đều chưa phải dùng đến biện pháp phong tỏa như ở Vũ Hán, Matthew Kavanagh, Giám đốc Sáng kiến Quản trị và Chính sách Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho hay người Mỹ không nên chỉ tập trung "phô trương sức mạnh quốc gia như truyền thông Trung Quốc đưa tin" mà thay vào đó nên nhìn vào các nước như Hàn Quốc, học cách "cân bằng giữa sự cởi mở dân chủ và các biện pháp phối hợp nhanh chóng để đối phó với dịch bệnh".

Giới chuyên gia cho rằng các chính phủ phương Tây cần sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế công dân đi lại, tiến hành cách ly và giám sát các trường hợp nhiễm bệnh bất chấp những quan ngại về quyền riêng tư.

"Đây là tiến trình cần thiết để cứu hàng nghìn người ở Mỹ và châu Âu, hàng tỷ USD của nền kinh tế và các doanh nghiệp", Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định. "Bằng không, sẽ là tàn sát".

5 quốc gia, 5 cuộc đua chống lại virus corona Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện có nhiều trường hợp lây nhiễm hơn ngoài Trung Quốc như Iran, Hàn Quốc và Italy và đồng thời kêu gọi thế giới chuẩn bị đối phó với Covid-19.

Số ca nhiễm virus tăng đột biến lại, châu Á lo đón 'làn sóng thứ 2'

Số ca nhiễm mới châu Âu và Mỹ liên tiếp tăng mạnh, trong khi châu Á, vốn đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, đứng trước nguy cơ đón nhiều ca nhiễm "nhập khẩu" từ nước ngoài.

Ba nơi kiềm chế được Covid-19 dù 'sát sườn' tâm dịch

Dịch Covid-19 có thể trở thành thảm họa với Singapore, Đài Loan và Hong Kong, vì ngay gần tâm dịch Trung Quốc. Nhưng các nơi này đã kiềm chế thành công được dịch lây lan.

Trương San

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm