Một thân chủ đến gặp tôi để kể về kế hoạch thành lập công ty riêng của cô sau nhiều năm làm kế toán cho một tập đoàn lớn. Cô được mọi người trong nghề kính trọng và là một người có năng lực, tử tế và cẩn trọng. Nhưng cô lại không hạnh phúc. Lúc đầu tôi nghĩ có thể là do cô lo lắng về giai đoạn chuyển tiếp này trong sự nghiệp của mình. Nhưng sự thực là cô đã không gặp bất cứ trở ngại nào, và dần dần tôi nhận ra những rắc rối thực sự đằng sau nỗi đau khổ của cô.
Vấn đề thực sự của cô không nằm ở sự nghiệp mà là trong cuộc hôn nhân của mình. Cô mô tả chồng mình như một người rất ích kỷ và luôn quan tâm quá mức đến những gì người khác nghĩ về anh ta. Thoạt nghe thì hai tính cách đó có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau, vì khi bạn ích kỷ thì bạn thường đâu có nghĩ nhiều đến người khác.
Thân chủ của tôi cảm thấy không thoải mái trong chính ngôi nhà của mình. Cô cảm thấy trong căn hộ này không có gì thực sự thuộc về mình (hai người chưa có con).
Trường hợp của cô ấy là một ví dụ điển hình về việc môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nội tâm con người (đó là lý do mà tôi thường khuyên những người đang gặp vấn đề về tâm lý nên bắt đầu dọn dẹp lại phòng mình cho ngăn nắp và trang trí nó đẹp hơn, nếu có thể).
Tất cả đồ nội thất trong nhà đều do chồng cô chọn và theo như cô mô tả thì chúng trông rất bắt mắt, hào nhoáng, nhưng chẳng thoải mái chút nào. Hơn nữa, chồng cô còn có thú đam mê sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đại chúng thời thập niên 60-70 và treo khắp nơi trong nhà. Anh ta thường dành rất nhiều thời gian đến các phòng trưng bày nghệ thuật để ngắm nghía và chọn lựa, trong khi cô thì ngồi đợi một mình ngoài xe hơi.
Hãy đối mặt với vấn đề. Ảnh: Nguyenuoc. |
Cô ấy bảo tôi rằng cô không quan tâm lắm về những món đồ nội thất đó, nhưng sự thực không phải thế. Sự thực là cô không thèm quan tâm đến chúng. Tất cả những đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật hào nhoáng đó chẳng hợp với gu thẩm mỹ của cô chút nào. Cô có khuynh hướng tối giản trong cách trang trí nhà cửa (hoặc có lẽ nó là hệ quả từ sự thái quá nơi chồng cô).
Thế nhưng, cô cũng không biết mình thực sự muốn gì, và đây chính là một phần của vấn đề: Bởi vì cô không biết mình thích gì (hoặc không thích gì), nên cô không thể đưa ra một ý kiến cá nhân mạnh mẽ nào cả. Bạn không thể nào thắng một cuộc tranh cãi, hay thậm chí là khơi gợi lên một cuộc tranh luận, nếu bạn không thể diễn đạt rõ ràng những gì bạn muốn hoặc cần.
Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng là cô ấy không thích cảm giác sống như một người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Cũng vì thế mà cô chưa bao giờ mời bất cứ người bạn nào đến nhà mình chơi, và đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng vì nó góp phần khiến cô cảm thấy ngày càng cô độc. Những đồ nội thất và tranh trang trí cứ dần trở nên nhiều hơn và chúng bắt đầu chiếm hết không gian của cô lẫn tình cảm vợ chồng trong cuộc hôn nhân này.
Thế nhưng thân chủ của tôi không bao giờ tranh cãi về vấn đề này. Cô không thích cảm giác tức giận. Cô chưa từng thử ném một món đồ gốm sứ đáng ghét của chồng xuống sàn để xả sự bực bội. Trong hàng chục năm trời sống chung, cô chưa từng thực sự nổi trận lôi đình, và cô cũng chưa từng đối mặt trực tiếp với sự thật là cô căm ghét căn nhà của chính mình cũng như căm ghét phải phục tùng sở thích thẩm mỹ khác biệt của chồng.
Trái lại, cô cứ để chồng mình làm những điều anh ta thích hết lần này đến lần khác bởi vì cô nghĩ rằng những điều vụn vặt như vậy chẳng đáng để tranh cãi. Cứ sau mỗi lần bực bội, sự bất đồng của cô đối với chồng càng lúc càng tăng dù cô vẫn không muốn tranh cãi, vì cô hiểu rằng một cuộc thảo luận nghiêm túc sẽ có nguy cơ chạm đến mọi mặt rắc rối của đời sống hôn nhân và dẫn đến một cuộc chiến giữa hai vợ chồng, trong đó mọi vấn đề sẽ nổi lên rõ mồn một và cần phải xử lý. Thế là cô quyết định giữ im lặng. Tuy nhiên, cô cảm thấy bị chèn ép quá mức, oán hận không ngớt cũng như cảm giác rằng mình đã lãng phí quá nhiều cơ hội tận hưởng cuộc sống.
Chúng ta thường sai lầm khi nghĩ rằng các món đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật chỉ là những vật vô tri vô giác. Sự thực thì chúng là những cái vỏ chứa đựng thông tin cực kì quan trọng về tình trạng hôn nhân của bạn (giống như ví dụ tôi vừa kể ở trên).
Mỗi món đồ có thể là chứng tích của một chiến thắng (với tổn thất to lớn về lâu dài) và một thất bại (lẽ ra đã có thể tránh được với một sự thảo luận thẳng thắn). Và có lẽ bạn sẽ gặp hàng chục hoặc hàng trăm món đồ như thế trong suốt cuộc hôn nhân của mình, mỗi thứ đều có nguy cơ trở thành một vũ khí hủy diệt đối với mối quan hệ vợ chồng của bạn.
Trở lại với vị thân chủ của tôi, không có gì đáng ngạc nhiên khi cô ấy ly dị chồng sau 30 năm chung sống. Tôi tin rằng chồng cô sẽ giữ lấy tất cả món đồ nội thất và tranh ảnh nghệ thuật đó.
Sau đây là bài học mà tôi muốn rút ra từ câu chuyện đó, một bài học mà có lẽ bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí khiếp sợ khi phải nghĩ đến những cuộc thương lượng khó khăn với vợ hay chồng mình.
Rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt mà vợ chồng bạn gặp phải trong đời sống hôn nhân sẽ diễn đi diễn lại từ sáng tới tối trong suốt gần 15.000 ngày, nếu cuộc hôn nhân của bạn kéo dài 40 năm. Những bất hòa nhỏ nhặt đó sẽ cứ lặp đi lặp lại (từ việc nấu nướng, rửa chén, quét dọn đến tài chính và sự gần gũi vợ chồng) cho đến khi bạn giải quyết chúng rốt ráo.
Khi bạn tránh né như thế, xác suất mà bạn đạt được điều mình muốn hầu như bằng không. Mặc dù mọi thứ đều có xu hướng xấu đi theo thời gian, kinh nghiệm cho ta thấy rằng tội lỗi của con người có thể khiến mọi chuyện xấu đi nhanh hơn nữa. Khi bạn nhận ra rằng sự chịu đựng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cái địa ngục nho nhỏ đó mãi mãi, bạn sẽ có đủ dũng khí để đối mặt với những vấn đề trong cuộc hôn nhân của mình và cố gắng tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên, chúng ta rất dễ rơi vào sự thiển cận của việc làm ngơ và cứ để việc đó tiếp diễn hết ngày này đến ngày khác. Và đó chắc chắn không phải là một giải pháp hiệu quả. Chỉ có sự dũng cảm đối mặt, cố gắng tỉnh táo và kiên trì đến cùng mới giúp ngăn được sự tích tụ của thảm họa đó và đặt nó trong vòng kiểm soát của bạn.