Phút 84 trong trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Lào, Nguyễn Trọng Hoàng thoát xuống thông minh đón đường chuyền của Trần Thanh Sơn. Sau nhịp khống chế, cầu thủ 30 tuổi có pha đặt lòng gọn gàng vào góc xa, hạ gục thủ thành Xayxavath.
Sau 10 năm, Trọng Hoàng mới lại ghi bàn tại SEA Games. Pha lập công trước U22 Lào còn đánh dấu sự trở lại của cầu thủ này. Sau cú sốc tại SEA Games 2009, Hoàng "bò" đã trở lại và sẵn sàng cho hành trình mới, chinh phục giấc mơ dang dở cùng tấm huy chương vàng SEA Games.
Bàn thắng trước U22 Lào đánh dấu sự trở lại của Hoàng "bò" tại đấu trường SEA Games. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ác mộng SEA Games 2009
Tại AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam xuất sắc bỏ lại Singapore và Thái Lan để có lần đầu xưng vương ở đấu trường khu vực. Một năm sau, với tư cách nền bóng đá số một Đông Nam Á, lại được dẫn dắt bởi "thầy phù thủy" Henrique Calisto, U23 Việt Nam có sứ mệnh hoàn tất thế thống trị của bóng đá nhà bằng tấm huy chương vàng SEA Games 25.
Hành trình tiến vào chung kết của U23 Việt Nam tại giải đấu năm đó có thể gói gọn trong 2 chữ "hoàn hảo".
Khởi đầu bằng trận hòa 1-1 trước U23 Thái Lan hùng mạnh của Kirati Keawsombat, Teerasil Dangda hay Kawin Thamsatchanan, thầy trò HLV Calisto càng chơi càng hay. Sau khi giành ngôi nhất bảng với thành tích toàn thắng ở 3 trận còn lại, U23 Việt Nam đã chơi trận bán kết để đời khi vùi dập U23 Singapore 4-0, qua đó tiến vào chung kết.
Trận thua trước Malaysia tại SEA Games 25 là một trong những thất bại khó nuốt trôi nhất của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Getty. |
SEA Games 22 và 23, U23 Việt Nam đều giành quyền vào chung kết, nhưng không có cuộc lật đổ nào xảy ra khi đó là giai đoạn bóng đá Thái Lan với dàn hảo thủ như Sarayuth Chaikamdee, Datsakorn Thonglao, Teerathep Winothai tỏ ra hoàn toàn vượt trội so với Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi tại SEA Games 25. U23 Thái Lan bị loại từ vòng bảng, còn đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết là U23 Malaysia, đội bóng từng bị chúng ta đả bại 3-1 tại vòng bảng. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam gần tấm huy chương vàng đại hội thể thao khu vực đến vậy.
U23 Việt Nam có "thầy phù thủy" Henrique Calisto thì với Malaysia, họ cũng có "pháp sư" Datuk Rajagopal. "Harimau Malaya" dưới bàn tay HLV Rajagopal đã chơi trận quật cường, trong khi ở bên kia chiến tuyến, U23 Việt Nam sau trận bán kết để đời trước Singapore đã có trận đấu hoàn toàn bế tắc.
Phút 85, pha đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam chết lặng. Từ kỳ vọng lớn lao, tất cả còn lại chỉ là sự sững sờ, những giọt nước mắt tiếc nuối cùng ký ức buồn với niềm tin vỡ vụn về tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Hình ảnh còn ám ảnh với nhiều cầu thủ cũng như CĐV Việt Nam. |
Giấc mơ vàng ở Manila 2019
SEA Games 2009, Trọng Hoàng có một bàn thắng. Đó chính là pha lập công vào lưới Malaysia ở vòng bảng, ấn định chiến thắng 3-1 cho đội nhà.
Tới chung kết, điều này không lặp lại. Trọng Hoàng khi đó mới 20 tuổi không thể giúp U23 Việt Nam lật ngược thế cờ trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại và đành nhìn tấm huy chương vàng vụt mất trong chớp mắt.
10 năm sau đêm ác mộng ở SEA Games 2009, khi phần lớn cầu thủ thuộc thế hệ đó đã giải nghệ hoặc bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, Trọng Hoàng vẫn miệt mài và bền bỉ với những bước chạy trong màu áo tuyển quốc gia.
Khi SEA Games 30 thay đổi thể lệ, cơ hội lại tới với Hoàng "bò". Cờ đã tới tay, và đây gần như là cơ hội cuối cùng để cầu thủ xứ Nghệ hoàn tất giấc mơ dang dở kéo dài đằng đẵng thập kỷ vừa qua.
Sau một thập kỷ, Trọng Hoàng sẽ có cơ hội hoàn thiện giấc mơ dang dở tại SEA Games. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nhìn vào U22 Việt Nam lúc này, người hâm mộ không khó để bắt gặp những sự trùng hợp tới lạ kỳ so với lứa cầu thủ từng về nhì tại SEA Games 10 năm trước.
U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30 cũng ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang trên đỉnh khu vực với chức vô địch AFF Cup 2018, đang sở hữu lứa cầu thủ giàu tiềm năng và cũng được dẫn dắt bởi một "thầy phù thủy" khác, đó là HLV Park Hang-seo.
Tuy nhiên, khác với 10 năm trước, bóng đá Việt Nam giờ đây bước vào đại hội thể thao khu vực với tâm thế mới.
Nếu chức vô địch AFF Cup 2008 được coi như phép màu, chiếc cúp thầy trò HLV Park giành được năm 2018 là đại diện cho sự thật, lời khẳng định đanh thép, đập tan mọi nghi ngờ về trình độ thực sự của bóng đá Việt Nam.
Tại SEA Games 25, U23 Việt Nam nhập cuộc với tâm thế của đội bóng ở trình độ "ao làng" và vẫn thường trực nỗi ám ảnh sợ Thái Lan thì tại SEA Games 30, đoàn quân của HLV Park sung trận với tâm thế của đại diện ở đẳng cấp châu lục, với vai vế của nhà đương kim á quân U23 châu Á.
Trọng Hoàng giờ đây là đầu tàu của U23 Việt Nam tại SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng. |
Với cá nhân Trọng Hoàng, anh cũng sẽ tham dự kỳ SEA Games thứ 3 và cũng có thể là cuối cùng trong sự nghiệp với một tâm thế hoàn toàn khác.
10 năm trước, chàng trai Trọng Hoàng 20 tuổi khi ấy chỉ đóng vai kép phụ trong hành trình của U23 Việt Nam. 10 năm sau, Trọng Hoàng ở độ tuổi 30 giờ đây là điểm tựa tinh thần, đầu tàu cho những người đàn em tại U22 Việt Nam.
10 năm trước, Trọng Hoàng có thể tới SEA Games với sự e dè, với tâm thế của cầu thủ trẻ ở đội bóng không được đánh giá cao nhất cho tấm huy chương vàng. 10 năm sau, khi bên cạnh anh giờ đây đều là những đồng đội ở đẳng cấp châu Á, Hoàng "bò" có quyền hiên ngang bước vào sân chơi khu vực và tự tin đặt ra mục tiêu cao nhất cho bản thân.
Tấm huy chương vàng SEA Games là thứ duy nhất Trọng Hoàng còn thiếu để hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu của bản thân. Ở tuổi 30, Hoàng "bò" chắc chắn cháy hết mình cho kỳ đại hội có thể là cuối cùng trong sự nghiệp.
Pha lập công vào lưới U22 Lào nhắc nhở Trọng Hoàng sẵn sàng. Ác mộng SEA Games 2009 đã ở lại phía sau và giờ là lúc anh cùng đoàn quân thiện chiến của HLV Park Hang-seo hiện thực hóa giấc mơ vàng tại Manila 2019.