Trong khu vườn hoa hồng tại miền Đông Afghanistan, bàn tay thoăn thoắt của Mohammad Din Sapai cẩn thận ngắt những nụ hoa mỏng manh. Những cánh hoa này sẽ được chiết xuất thành tinh dầu và nước hoa hồng để bán trên toàn thế giới.
“Tôi rất vui với mùa thu hoạch hoa năm nay”, Sapai, 50 tuổi, chia sẻ khi ông ngồi giữa hàng trăm bụi hoa hồng nở rộ. Trước đây, ông từng trồng anh túc.
Hoa hồng được thu hoạch tại Dara-i-Noor, tỉnh Nangarhar. Ảnh: AFP. |
Tại Nangarhar, tỉnh giáp ranh Pakistan, Sapai là một trong hơn 800 nông dân hưởng lợi từ Dự án Hoa hồng cho Nangarhar. Đây là sáng kiến do Afghanistan và Đức liên kết xây dựng năm 2007 nhằm khuyến khích người trồng anh túc chuyển sang một loài hoa khác vừa sinh lời, vừa hợp pháp.
“Họ cấp cho chúng tôi cây trồng, công cụ và thậm chí còn trả tiền cho chúng tôi trong năm đầu khi chưa có vụ mùa”, Sapai nói. “Giờ tôi có 600 cây, và thu hoạch được tới 1.200 kg cánh hoa”.
Hoa hồng đang mở ra tương lai mới cho những người nông dân tại tỉnh Nangarhar. Trước đây, việc họ buôn bán thuốc phiện từng tạo ra không ít mâu thuẫn trên khắp cả nước.
Trồng anh túc là ngành kinh doanh lớn tại Afghanistan, trong đó, Nangarhar là tỉnh sản xuất lớn thứ 6. Theo số liệu chính thức, ngành nông nghiệp anh túc đạt mức sản lượng kỉ lục 9.000 tấn vào năm 2017 sau khi tăng tới 87 %.
Tuy nhiên, Sapai cho biết ông vô cùng phấn khởi với công việc trồng hoa hồng. Sau mùa hoa, thường kết thúc vào tháng 5, ông chuyển sang trồng rau.
Nơi súng và hoa đối đầu
Bắt đầu làm việc từ bình minh tới trưa, khi nhiệt độ lên cao, Sapai và những người nông dân phải chịu những mối nguy hiểm liên tục rình rập xung quanh.
Tỉnh Nangarhar đầy rẫy chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm khủng bố biến tỉnh này trở thành cứ địa sau khi xuất hiện ở Afghanistan vào cuối năm 2014. Trong khi đó, Taliban cũng liên tục đảo quanh khu vực này. Trên con đường dẫn đến nông trại hoa hồng là vô số bom mìn trực chờ.
Tại ngôi làng Omar Qala gần đó, Shah Zaman, người trồng hoa hồng nhưng đồng thời cũng là giáo viên, cho biết thu hoạch cánh hoa thay vì thuốc phiện mang lại nhiều lợi ích.
“Người dân ở đây từng trồng cây anh túc, nhưng việc đó là bị cấm trong luật đạo Hồi (haram)”, ông nói.
Những nông dân nhỏ tuổi thu hoạch hoa tại tỉnh Nangarhar ngày 24/4. Ảnh: AFP. |
Zaman dự kiến thu hoạch 1.000 kg cánh hoa trong năm nay. “Tôi kiếm được khoản tiền tương đối lớn từ hoa hồng, mà loại cây này lại có sức sống bền bỉ, không yêu cầu nhiều chi phí hay công sức”.
Khan Agha, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Hồng Afghanistan tại quận Dara-e-Noor, đồng tình rằng hoa hồng không yêu cầu việc tưới nước, bón phân hay chăm sóc tỉ mỉ như anh túc.
Các bụi hoa hồng có sức chịu đựng cao và có thể tồn tại từ 30-50 năm. Trong khi đó, anh túc phải được trồng lại sau mỗi mùa.
“Chúng tôi có hợp đồng thống nhất với nông dân trồng hoa, yêu cầu họ ngừng trồng anh túc và các loại cây thuốc phiện khác. Những nơi chúng tôi trồng hoa hồng 100% hoàn toàn không có anh túc”, Agha cho biết thêm.
Mohammad Akbar Mohmand, chủ sở hữu công ty Hoa hồng Afghanistan cho biết những cánh hoa được chưng cất tại thủ phủ Jalalabad. Để chiết xuất được một lít tinh dầu phải cần đến 6 tấn cánh hoa.
Trong đỉnh điểm của vụ mùa, nhà máy chưng cất của Mohmand thuê hơn 120 người. Từ bình minh tới trưa, xe tải trên khắp các quận trong tỉnh chuyển đi những chuyến hàng quý giá của họ.
Sau khi thu hoạch, cánh hoa bắt đầu héo và mất đi hương thơm trong vòng vài giờ. Do đó, “hoa hồng được hái vào buổi sáng phải được chưng cất cùng ngày, kể cả nếu chúng tôi có phải làm việc tới 2-3h sáng”, Mohmand giải thích.
Nông dân thu hoạch hoa ở vườn hoa hồng gần Jalalabad. Ảnh: AFP. |
Tạo nước hoa thay vì chiến tranh
Trước khi dự án Hoa hồng cho Nangarhar được chính thức khởi động, doanh nhân Afghanistan Abdullah Orzala đã bắt đầu trồng hoa hồng và phân phối cây trồng. Ông là kỹ sư được đào tạo ở Mỹ và gần đây đã mở một cửa hàng bán nước hoa tại Kabul cho giới trung lưu và người nước ngoài.
Orzala sở hữu 100 hecta hoa hồng nhưng ông hy vọng có thể tăng số lượng cây trồng lên gấp 3 trong năm tới “nếu tình hình an ninh cho phép”.
Như Mohmand, Orzala chưa bao giờ ngừng lo lắng về nguy cơ bạo lực liên miên tại khu vực này. Năm 2016, 50 nông dân làm việc cho ông phải thu dọn và bỏ nông trại ở quận Achin khi quận này trở thành căn cứ của IS.
Hai năm sau đó, những người nông dân vẫn tiếp tục bị di dời tới phía bắc đất nước. Công ty Hoa hồng Afghanistan cũng đã phải đóng cửa nhà máy chưng cất ở Achin và lui về Jalalabad.
Công ty này hiện cung cấp tinh dầu hoa hồng cho nhiều doanh nghiệp châu Âu, bao gồm cả hãng mỹ phẩm hữu cơ cao cấp Dr. Hauschka của Đức.
“Họ sản xuất các loại kem đắt tiền từ hoa hồng của chúng tôi”, Mohmand nói.
Orzala xuất khẩu tinh dầu tới công ty Canada The 7 Virtues. Công ty này cũng nhập khẩu tinh dầu từ Haiti, Trung Đông và Rwanda với khẩu hiệu “Tạo nước hoa thay vì chiến tranh”.
Thông điệp mang ý nghĩa to lớn đã khuyến khích làn sóng trồng hoa hồng trong cộng đồng nông dân tỉnh Nangarhar.