Theo Nikkei Asian Review, khi tác động của xung đột Nga - Ukraine lan rộng toàn cầu, người Indonesia lo sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho đồ ăn, nhất là món mì ăn liền yêu thích.
Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào cuối tháng 5, ông Airlangga Hartarto - Bộ trưởng Bộ điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia - dự đoán giá mì gói sẽ tăng cao.
Ông bày tỏ quan ngại trong bối cảnh mất an ninh lương thực toàn cầu, nhất là đối với nguồn cung lúa mì do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhu cầu mì gói của Indonesia đạt 13,27 tỷ suất ăn trong năm 2021, chỉ đứng sau Trung Quốc. Indonesia cũng vượt đất nước 1,4 tỷ dân về mức tiêu thụ trên đầu người. Ảnh: Reuters. |
Giá cả leo thang
Khi nhắc tới mì gói, có thể ông Airlangga đã nghĩ tới Indomie - thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng ở Singapore thuộc Indofood Sukses Makmur, thành viên cốt lõi của Salim Group.
Với hương vị đa dạng và giá cả phải chăng, Indomie đã chiếm được cảm tình của nhiều người Indonesia.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì gói của Indonesia đạt 13,27 tỷ suất ăn trong năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ suất của Trung Quốc, tính cả Hong Kong. Indonesia vượt Trung Quốc về mức tiêu thụ trên đầu người với khoảng 50 suất/năm.
Hầu hết mì gói được tiêu thụ ở Indonesia đến từ Indofood, bao gồm thương hiệu Indomie. Giá mì tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân nước này.
Giá thực phẩm đang tăng mạnh. Hôm 8/6, giá lúa mì - được dùng để sản xuất mì Indomie - đã tăng lên 11.600 IDR/kg (tương đương 0,79 USD), chênh 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa mì tăng vọt do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine và chủ nghĩa bảo hộ lương thực trên thế giới. Ảnh: Reuters. |
Giá lúa mì đã tăng cao trên toàn cầu do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine và chủ nghĩa bảo hộ lương thực trên thế giới. Nga và Ukraine nằm trong số những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, cả 2 quốc gia chiếm khoảng 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu.
"Giá lương thực vốn đã cao do tình trạng gián đoạn liên quan đến Covid-19 và sản lượng giảm vì hạn hán vào năm ngoái. Việc Nga đổ quân vào Ukraine giáng thêm đòn vào thị trường lương thực toàn cầu", Peterson Institute for International Economics (PIIE) - cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Washington - bình luận.
Hồi giữa tháng 5, Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi giá ngũ cốc trong nước tăng vọt. Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì từ nước này tăng lên sau khi nguồn cung của khu vực Biển Đen sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraine.
“Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu. Hiện, không còn nước cung cấp lớn nào trên thị trường”, một chủ đại lý lúa mì giấu tên nói với CNBC.
Thắt lưng buộc bụng
Mì Indomie được bán với giá trung bình khoảng 2.800 IDR tại các cửa hàng ở Indonesia. Đó là mức giá phải chăng ở một quốc gia có mức lương trung bình khoảng 200 USD/tháng.
Thuế giá trị gia tăng tại Indonesia đã tăng trong tháng 4, đẩy giá bán lẻ lên cao. Nhưng Indofood vẫn giữ nguyên giá bán. Khi giá lúa mì tăng cao, người tiêu dùng và chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo dồn sự chú ý vào giá mì gói Indomie.
Indofood đang kiếm lời tốt với lợi nhuận ròng năm 2021 tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm. Nguyên nhân là doanh số mì gói Indomie đã tăng mạnh trong năm ngoái. Đó là một lựa chọn dễ dàng và tiện lợi cho những người bị mắc kẹt tại nhà vì các lệnh phong tỏa.
Giờ, tôi ăn mì Indomie 3-4 lần mỗi tuần. Nhưng tôi có thể phải giảm xuống chỉ còn 1-2 lần mỗi tuần
Một nhân viên văn phòng giấu tên ở Jakarta
Theo Nikkei Asian Review, khi được hỏi về khả năng tăng giá bán, một lãnh đạo của Indofood cho biết công ty sẽ cân nhắc dựa trên giá nguyên liệu, thành phần, tình hình kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
Theo một nhân viên văn phòng giấu tên ở Jakarta, nếu giá mì gói Indomie tăng cao, người tiêu dùng sẽ buộc phải thay đổi hành vi. "Ngay cả khi giá chỉ tăng thêm 500 IDR, nếu tính tổng cả tháng, đó vẫn là con số lớn", Nikkei Asian Review dẫn lời người này chia sẻ.
"Giờ, tôi ăn mì Indomie 3-4 lần mỗi tuần. Nhưng tôi có thể phải giảm xuống chỉ còn 1-2 lần mỗi tuần", người này nói thêm.
Indonesia đang đau đầu với lạm phát leo thang. Các sinh viên xuống đường biểu tình vì giá dầu ăn tăng vọt, buộc chính phủ phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Lệnh cấm này đã được rút lại sau 3 tuần.
Theo ông Akio Shibata - Chủ tịch Viện nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản, trong tương lai, một khi giá vẫn tăng, các biện pháp bảo hộ sẽ lan rộng sang nhiều quốc gia và những mặt hàng khác nhau, tạo ra vòng xoáy nguy hiểm đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.
Theo tuyên bố hôm 15/6, chính quyền Tổng thống Widodo đã sa thải Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi.