Reuters dẫn lời một quan chức quân đội giấu tên cho biết người đàn ông vượt Khu phi quân sự chia tách 2 miền bán đảo Triều Tiên (DMZ) vào tuần trước ở độ tuổi 30. Anh này có cuộc sống nghèo nàn ở Hàn Quốc và kiếm sống bằng nghề dọn vệ sinh.
"Anh ấy hầu như không thể kiếm sống được", quan chức này cho biết hôm 4/1 và từ chối giải thích chi tiết do lo ngại quyền riêng tư.
Yonhap cho biết cảnh sát quận Nowon, phía bắc thủ đô Seoul - đơn vị cung cấp biện pháp bảo vệ cho người đàn ông này - đã bày tỏ lo ngại về khả năng trốn trở lại miền Bắc của anh vào tháng 6/2021, nhưng không có hành động gì bởi thiếu bằng chứng cụ thể.
Cùng ngày, một quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách xử lý các vấn đề xuyên biên giới cho biết người này đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ về khía cạnh bảo đảm an ninh cá nhân, nhà ở, chăm sóc y tế và việc làm.
Anh ít giao tiếp với hàng xóm. Một ngày trước khi vượt biên, anh vứt bỏ toàn bộ đồ đạc.
"Anh ấy mang một tấm đệm và bộ ga giường ra bãi rác vào sáng hôm đó. Tôi thấy kỳ lạ bởi chúng còn quá mới", một người hàng xóm cho biết. "Tôi đã nghĩ đến việc bảo anh ấy cho tôi (chỗ đồ vứt đi), nhưng cuối cùng lại không nói bởi chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau".
Một người đàn ông nhìn về phía ngôi làng Kaepoong của Triều Tiên tại Bệ quan sát Thống nhất, gần khu phi quân sự DMZ ở Paju, phía bắc Seoul. Ảnh: Reuters. |
Không có nhiều khả năng người đàn ông này là gián điệp Triều Tiên. Hàn Quốc đã mở một cuộc điều tra để tìm hiểu về cách anh trốn khỏi tầm nhìn của quân đội, dù đã bị camera quay được vài giờ trước khi băng qua biên giới.
Người đào tẩu đã sử dụng kinh nghiệm khi còn là vận động viên để vượt qua hàng rào biên giới và trốn sang miền Nam qua DMZ vào tháng 11/2020. Vào ngày 1/1, anh lại vượt rào thêm một lần nữa để quay lại Triều Tiên.
Vụ việc này đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới về cách những người đào tẩu bị đối xử khi họ chấp nhận hành trình rủi ro để có cuộc sống mới ở miền Nam.
Tính đến tháng 9/2021, khoảng 33.800 người Triều Tiên đã tái định cư ở Hàn Quốc, trong khi kể từ năm 2012, chỉ có 30 người trở lại quê hương.
Khoảng 56% người đào tẩu được xếp vào nhóm có thu nhập thấp. Trong cuộc khảo sát công bố vào tháng 12/2021, khoảng 18% trong số 407 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng quay trở lại miền Bắc.
"Có một loạt các lý do khiến họ muốn quay về: Nhớ gia đình, gặp khó khăn trong vấn đề tình cảm và kinh tế khi có cuộc sống mới", một quan chức Bộ Thống nhất cho hay, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét chính sách và cải thiện hỗ trợ cho những người đào tẩu.