Một nhóm luật sư đang nộp đơn lên cơ quan tư pháp Lebanon tố cáo ông Ghosn từng tới Israel, với tư cách chủ tịch công ty Nissan, và điều đó cấu thành tội hình sự.
Luật Lebanon cấm công dân có bất cứ giao dịch nào với Israel, vốn ở trong tình trạng chiến tranh với Lebanon 60 năm nay.
Đây là cáo buộc nghiêm trọng hơn nhiều so với cáo buộc sai phạm tài chính, biển thủ tiền mà ông đã phải đối mặt khi trốn khỏi Nhật Bản vào đầu tuần này để đến Beirut.
Làm thế nào mà ông Carlos Ghosn đang tại ngoại ở Nhật có thể trốn sang Lebanon vẫn là bí ẩn. Ảnh: AFP. |
Từng thăm Israel là tội nặng ở Lebanon
Nếu bị tuyên có tội khi đặt chân tới Israel, ông Ghosn, sinh ra ở Brazil và có cả hộ chiếu Lebanon và Pháp, có thể chịu án tù 15 năm ở Lebanon, Washington Post dẫn nguồn tin từ các quan chức tư pháp Lebanon.
Hình tượng ông Ghosn trong mắt người Lebanon - một người hùng, một người con của đất nước đã bước ra thế giới và làm giàu - dường như sắp bị phá hỏng.
“Nếu ông ấy nghĩ mình có thể được bảo vệ tại đây, thì sẽ không hoàn toàn đúng, vì ông ấy đã thăm Israel, một nước thù địch”, Mohammed Obeid, một nhà phân tích chính trị Lebanon, nói với Washington Post.
“Đầu tiên ông ấy tham nhũng, tiếp đến lại là (cáo buộc) phản quốc. Làm sao ông ấy có thể là người hùng Lebanon được nữa?” - ông nói thêm.
Ông Ghosn dính cáo buộc mới này trong bối cảnh dư luận quốc tế vẫn chưa hiểu nổi làm thế nào ông có thể trốn khỏi Nhật khi đang tại ngoại. Hộ chiếu của ông vẫn bị các luật sư và giới chức Nhật Bản cầm giữ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 7 người tình nghi đã giúp ông Ghosn trốn khỏi Nhật Bản, đưa ông qua Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Lebanon. 7 người bao gồm bốn phi công đã đi trên máy bay riêng đưa Ghosn đi trốn.
Hai nhân viên mặt đất và một quản lý công ty vận chuyển hàng hóa cũng bị bắt giữ.
Lebanon cũng nhận được “thông báo đỏ” từ tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, nhưng đó chỉ là thông báo về nghi phạm bị truy nã quốc tế, và các nước không có nghĩa vụ phải bắt giữ nghi phạm.
Lebanon hiện không có ý định bắt giữ theo yêu cầu của Interpol, vì ông Ghosn không bị truy nã vì tội danh nào ở Lebanon, theo một quan chức an ninh cao cấp của nước này.
“Một khi ông ấy ở đây một cách hợp pháp, chúng tôi không có quyền bắt giữ ông ấy... ông ấy không giết ai hoặc phạm tội quốc tế. Nhưng chúng tôi vẫn theo dõi các diễn biến vì tình hình có thể phức tạp hơn”, ông nói với Washington Post.
Các chuyên gia pháp lý độc lập đã chỉ ra sự tương phản giữa cách đối xử hà khắc của hệ thống tư pháp Nhật Bản với ông Ghosn - hơn 120 ngày trong phòng giam không có lò sưởi và nhiều giờ liền thẩm vấn không có luật sư, trước các tội danh có án tù lên tới 15 năm - và cách mà các doanh nhân Nhật Bản chỉ bị xử nhẹ hoặc thoát tội đối với các sai phạm nghiêm trọng hơn nhiều.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có giải đáp. Ông bị cáo buộc bốn tội danh, bao gồm sai phạm tài chính và bội tín, như báo cáo lợi nhuận thấp hơn thực tế và chuyển tiền cho các tiệm bán xe ở Trung Đông để tư lợi.
Luật Lebanon cấm công dân có bất cứ giao dịch nào với Israel, vốn ở trong tình trạng chiến tranh với Lebanon 60 năm nay. Ảnh: AFP. |
Trở thành quả bóng cho chính trị Lebanon
Vận mệnh ông Ghosn có thể sẽ phụ thuộc vào chính trị phức tạp của Lebanon, vốn đang chao đảo với làn sóng biểu tình đòi cải tổ hệ thống phân chia các chức vị theo tôn giáo. Ngoài ra, khủng hoảng tài chính đang đe dọa làm sụp đổ nền kinh tế Lebanon.
Ông Ghosn có những đồng minh quyền lực, bao gồm Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil và bố vợ, Tổng thống Lebanon Michel Aoun. Họ đang tranh giành ảnh hưởng và chức vị trong chính phủ mới, với các phe cánh khác, bao gồm phong trào Hezbollah đáng gờm.
Ông Ghosn có thể trở thành trái bóng bị đá đi đá lại trong trận đấu tranh quyền lực ở Lebanon, thành một con bài trong cuộc thương lượng thành lập chính phủ mới, Washington Post bình luận.
Những luật sư đang khiếu nại ông Ghosn vì từng thăm Israel cho biết họ không có động cơ chính trị, mà chỉ muốn công lý được thực thi, nhất là khi Israel đã giết hại nhiều dân thường Lebanon trong các cuộc chiến. Ali Abbas, một trong các luật sư, cho biết ông ủng hộ phong trào biểu tình chống chính phủ.
Ông Ghosn không phủ nhận đã tới Israel. Đã có những hình ảnh được đăng trên mạng xã hội về chuyến đi năm 2008, trong đó ông chụp với Tổng thống Israel khi ấy Shimon Peres hay Thủ tướng Ehud Olmert, nhằm ký thỏa thuận chế tạo xe điện giữa công ty ông và Israel.
Các tấm ảnh từ cách đây hơn 10 năm, vì vậy đã quá thời hạn truy tố ở Lebanon. Tuy nhiên, các luật sư cáo buộc ông có những chuyến thăm gần đây hơn.
Câu hỏi hiện giờ là có đúng ông đã thăm Israel gần đây hay không, và câu trả lời sẽ đến từ cơ quan tư pháp Lebanon, dự kiến tuần tới, ngày 9/1. Nếu bị truy tố, ông Ghosn có thể sẽ phải ra trước tòa án binh.
Theo Washington Post, luật cấm người Lebanon thăm Israel không được áp dụng đồng nhất. Có người chịu án tù nặng nề, trong khi người khác thoát tội. Đạo diễn từng được đề cử giải Oscar Ziad Doueiri bị giam giữ năm 2017 và ra tòa án binh vì đã quay một số cảnh trong phim của mình ở Israel. Cuối cùng ông được thả.