Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trọn đời theo Đảng' của 5 nguyên Tổng bí thư

Nhà tù Hỏa Lò là môi trường tôi rèn ý chí và đạo đức cách mạng của hàng nghìn chiến sĩ cộng sản trung kiên, trong đó có những người sau này trở thành Tổng bí thư của Đảng.

Nhà tù Hoả Lò (xây dựng năm 1896) là nơi thực dân Pháp giam giữ hàng nghìn chiến sĩ cộng sản trung kiên của Cách mạng Việt Nam.
Nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của các lãnh đạo Đảng từng là tù chính trị, bị thực dân Pháp bắt giam tại Hoả Lò, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò đã trưng bày chuyên đề "Trọn đời theo Đảng". Nội dung giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. 
Rất đông du khách trong và ngoài nước tham dự triển lãm.
Gần 200 tài liệu, hiện vật được sưu tầm và giới thiệu, trưng bày đã khắc hoạ khái quát về phẩm chất trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh năm 1912 tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 6/1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó tham gia thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Ninh.
Đầu năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò, sau đó bị đày đi nhà tù Côn Đảo. Năm 1938, ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông lại bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn và tháng 8/1941, ông bị tử hình tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định.
Tổng bí thư Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh năm 1907 tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Năm 1930 - 1935, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò rồi nhà tù Sơn La. Trong tù, ông bị liệt vào hàng tù đặc biệt nguy hiểm và nhốt trong xà lim. Năm 1936, ông được trả tự do.
Tổng bí thư Trường Chinh 3 lần đảm trách cương vị Tổng bí thư của Đảng với 3 tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Đảng Lao Động Việt Nam (1952) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986). 
Tổng bí thư Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận) sinh năm 1907 ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1931, ông làm Uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ. 

Năm 1936, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ bị lộ, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù.

 Tại nhà tù Hoả Lò, ông được phân công làm chủ bút tờ Đuốc đưa đường nhằm góp phần tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng. Sau đó, ông bị đày đi nhà tù Sơn La, Côn Đảo.
Năm 1936, ông được trả tự do và tham gia xây dựng phong trào ở các tỉnh miền Trung. Năm 1960 - 1976, ông là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1976 - 1986, là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc), sinh năm 1915 tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Tháng 5/1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò, sau đó đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, ông được trả tự do và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1941, ông bị bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù và đầy ra nhà tù Côn Đảo.
Tháng 9/1960, ông được Trung ương chỉ định là Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 12/1986, ông được bầu giữ cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng bí thư Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống), sinh năm 1917 ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 10/1942, bị thực dân Pháp bắt giam tại Hà Đông, ông đã tuyệt thực đòi được ra nhà tù Hoả Lò để có điều kiện được cùng anh em tù chính trị đấu tranh.
Tháng 3/1945, ông cùng nhiều tù chính trị vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân Trại J - nhà tù Hoả Lò. Năm 1946- 1955, ông giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Khu Tả ngạn sông Hồng, Hải Phòng. Năm 1991-1997, ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII, VIII.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm