Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 15/9, bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) dự kiến đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió đạt cấp 12-13 (115-150 km/h). Bốn tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi gió bão từ sáng mai mạnh từ cấp 7-8 đến cấp 11-12, có thể giật cấp 15 nơi tâm bão đi qua.
Các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).
Đường đi dự kiến của bão số 10 theo bản tin của Trung tâm khí tượng phát đi lúc 21h ngày 14/9. Ảnh: NCHMF. |
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An mưa lớn 100-300 mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm.
Từ ngày mai đến hết 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La mưa 50-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Từ đêm 14/9 đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
* Bạn đọc chia sẻ thông tin, hình ảnh về cơn bão về địa chỉ toasoan@zing.vn. Đường dây nóng 0985.57.88.55.
-
-
Một người chết trước bão ở Huế
Hơn 19h, ở TP Huế, mưa lớn khiến một số tuyến đường nội thị như Hùng Vương, Trần Quang Khải...bị ngập cục bộ.
Huế cũng ghi nhận thiệt hại về người trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền là ông Ngô Văn Hiển (41 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ). Sáng 14/9, ông Hiển lên đồi để cạo mủ cao su. Trên đường trở về, ông đi qua khu vực suối có nước lũ bất ngờ dâng cao và bị lũ cuốn trôi, mất tích.
Đến 14h cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của ông Hiển trôi dạt về đoạn cuối con suối và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.
-
Gió lặng, trời tạnh
Khoảng 19h40, nhiều nơi ở Hà Tĩnh mưa lớn. Đến 20h, trời tạnh. Trong khi đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị mưa nhỏ hoặc không mưa, trời khá lặng gió.
20h40, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cho biết vào thời điểm này đã có gió giật mạnh kèm theo mưa rất to. Theo ông Tùy, các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm sát biển đã di dời lên nhà người quen và khu vực an toàn.
20h45, Thanh Hóa vẫn lặng gió, có mưa nhỏ. Công tác di dân và các biện pháp ứng phó khác đã được nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa lên phương án để sẵn sàng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 57.801 hộ với 247.867 người dân đang sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển. Khi có lệnh, số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ biển 200m là 8.599 hộ với 765 người. Số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ viên từ 200- 500 m là 12.695 hộ với 35.537 người.
-
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó với bão
Chiều và tối 14/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi dọc từ Quảng Bình tới Nghệ An, kiểm tra công tác phòng chống bão. Phó thủ tướng đánh giá cao công tác ứng phó của các địa phương đồng thời yêu cầu không để phương tiện nào hoạt động trên biển, chằng chéo tàu bè đã vào bờ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác kiểm tra công tác chuản bị ứng phó bão tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Xuân Tuyến.
Đối với công tác di dân, Phó thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, kiên quyết di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm. Ông cũng lưu ý việc hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, công trình, đặc biệt lưu ý đối với những thiết bị, công trình dạng cột, tháp cao như cần cẩu, tháp truyền hình, cột ăng ten có chiều cao lớn, biển quảng cáo cỡ lớn, hệ thống lưới điện…; chủ động chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.
Đối với các công trình hồ đập, cần theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để có giải pháp ứng phó kịp thời, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
-
Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất do mưa bão
-
Bão mạnh cấp 12, hướng thẳng Hà Tĩnh - Quảng Bình
Có mặt tại Nghệ An tối 14/9, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho Zing.vn hay lúc 20h, tâm bão còn cách Đèo Ngang chừng 300 km. Vùng bán kính gió cấp 6 chưa ảnh hưởng tới đất liền nên khu vực Bắc Trung Bộ khá lặng gió.
Theo ông Hải, khác với dự báo trước đó, cơn bão không mạnh tới cấp 13 khi áp sát đất liền. "Hiện bão mạnh cấp 12, tâm bão dự kiến đổ bộ khu vực giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình", ông Hải nói.
Tuy nhiên, bán kính vùng gió mạnh cấp 10 sẽ lên tới 100 km, bao phủ toàn bộ khu vực ven biển Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, do vùng mây bão lớn nên từ nam đồng bằng Bắc Bộ tới Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng của bão.
Ảnh dự kiến đường đi của bão trong bản tin phát đi lúc 21h. Ảnh: NCHMF.
-
Người dân Nghệ An mua xăng dự trữ trước bão số 10
-
Du khách dạo phố trong mưa ở Huế trước khi bão số 10 đổ bộ
-
Ảnh vệ tinh cơn bão từ trưa tới tối 14/9
-
Đến gần 22h giờ, tình hình ở các địa phương ven biển khu vực Bắc Trung Bộ vẫn khá yên ắng. Tại bưu điện tỉnh Nghệ An, các hàng nước vỉa hè vẫn bán bình thường. Dãy cửa hàng bánh trung thu ở trung tâm TP Vinh thì được tháo dỡ từ trước đó để đảm bảo an toàn. Ảnh: Phạm Hòa.