Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng trực tiếp kiểm tra việc ứng phó nơi bão số 10 đổ bộ

Sau khi kết thúc buổi làm việc trực tuyến với các địa phương, trưa 14/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp vào Quảng Bình, Hà Tĩnh, nơi bão số 10 dự kiến đổ bộ.

Đường đi của bão số 10 trên Biển Đông Từ sáng đến trưa 14/9, bão số 10 (Doksuri) mạnh thêm hai cấp và đạt sức gió trên 100 km/h. Cơn bão dự kiến đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình vào trưa 15/9.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, 16h ngày 14/9, tâm bão số 10 (Doksuri) chỉ còn cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 470 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 đến 135 km/giờ), giật cấp 15. Như vậy, trong nửa ngày, cơn bão đã mạnh thêm 3 cấp.

Trong đêm nay, bão giữ hướng di chuyển tây tây bắc, tốc độ 20-25 km/h và còn mạnh thêm. Đến 4h ngày 15/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 180 km, sức gió đạt cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15.

bao so 10 anh 1
Dự kiến đường đi của bão chiều 14/9. Ảnh: NCHMF.

Khoảng trưa đến chiều mai (15/9), bão số 10 đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.

Đến 16h ngày 15/9, tâm bão trên đất liền biên giới Việt - Lào, sức gió giảm còn cấp 10 (90 đến 100 km/h).

Sóng lớn trên biển, gió mạnh trên đất liền

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (15/9) tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).

Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4). Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3). 

Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10 m, vùng ven bờ 5-6 m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1 m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2 m. 

bao so 10 anh 2
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc ứng phó bão tại Quảng Bình chiều 14/9. Ngay sau đó ông cùng đoàn công tác tiếp tục di chuyển ra Hà Tĩnh. Ảnh: Xuân Tuyến.

Từ sáng 15/9, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-8, gần trưa và chiều tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4). Các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3). 

Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An mưa lớn 100-300 mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm. 

Từ ngày mai đến hết 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La mưa 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. 

Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng: Từ đêm nay (14/9) đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. 

Phó thủ tướng kiểm tra khu vực tâm bão dự kiến đổ bộ

Đầu giờ chiều 14/9, đoàn công tác do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu trực tiếp đến Quảng Bình kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến khu neo đậu tránh trú bão Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) và cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch) kiểm tra, thăm hỏi tình hình, công tác chuẩn bị đối phó với bão của các ngư dân địa phương. 

Phó thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 10 của tỉnh Quảng Bình với sự tham gia của nhiều cơ quan, lực lượng chức năng, người dân địa phương. Ông yêu cầu lãnh đạo tỉnh có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung tất cả nguồn lực bảo đảm an toàn tính mạng, các phương tiện, tài sản của người dân. 

"Tỉnh cần khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền, kể cả ở nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. 

Thay mặt đoàn công tác, Phó thủ tướng yêu cầu Quảng Bình chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là một số khu vực xung yếu, công trình đang thi công và phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến khu vực bờ biển.

Sau khi kết thúc buổi làm việc nhanh với đại diện tỉnh Quảng Bình, Phó thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hà Tĩnh, Nghệ An.

Người dân chằng chống nhà cửa đón bão số 10 Sáng 14/9, người dân Hà Tĩnh tìm cách chằng chống, gia cố nhà cửa. Cơn bão được cho là mạnh nhất trong vài năm qua dự kiến đổ bộ vào trưa 15/9.

Người dân chằng chéo nhà cửa trước cơn bão mạnh nhất năm

Từ sáng sớm nhiều hộ gia đình ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình di chuyển tàu bè vào nơi trú ẩn cũng như gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ.


Văn Được - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm