Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trở về sau 36 năm là liệt sĩ

Gia đình đã nhận được giấy báo tử và thờ cúng 36 năm thì liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu (54 tuổi, xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên, Hưng Yên) bất ngờ trở về khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Lá thư “lạc”

Căn nhà cấp 4 nhỏ bé ở thôn Phương Thông là nơi ở mới của gia đình ông Dầu. Trên mảnh đất nhỏ, vợ chồng ông chăm chỉ làm đất, trồng rau. Do mới trở về từ An Giang nên việc làm rau màu ngoài Bắc ông vẫn còn bỡ ngỡ.

Kể lại quá trình đoàn tụ, ông Nguyễn Ngọc Anh, em trai ông Dầu cho biết, sau hơn chục năm không liên lạc được với ông Dầu, tháng 3/1993, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng đã lập giấy báo tử theo chế độ “mất tin” năm 1979 tại chiến trường Campuchia. Ông Dầu đã được công nhận liệt sĩ, được cấp bằng Tổ quốc ghi công và gia đình hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ từ năm 1994.

Vợ chồng ông Dầu.
Vợ chồng ông Dầu.

Tuy nhiên, tháng 2/2014, gia đình bỗng nhận được thư của một người tại An Giang. Trên phong bì ghi người nhận là Nguyễn Anh, quê thôn Phương Liên, xã Phương Chiểu.

Thấy đúng họ tên mình, nhưng không có tên đệm, đồng thời lại không có người thân hay bạn bè ở An Giang nên ông Ngọc Anh cho rằng bưu tá đã phát lầm và trả lại thư. Nhưng vài hôm sau, bưu tá mang bức thư đó trở lại bởi trong thôn không có ai trùng tên ông. Ông đem chuyện nói với các chị, rồi quyết định cùng bóc thư. Theo thông tin ban đầu, người gửi thư là một y tá tên Nguyệt ở An Giang.

“Nội dung bức thư nói đến thông tin đặc điểm của anh trai Nguyễn Đình Dầu đã hy sinh của tôi. Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Mở đến trang sau là dòng chữ “Ông Dầu vẫn còn sống. Gia đình có thể gọi điện tới số 0917…. để được trả lời và bố trí ngày đoàn tụ””, ông Ngọc Anh kể.

Ngay lập tức, gia đình phân công bà Hoàn, chị gái ông Dầu liên lạc với số máy trên. Cuộc trò chuyện diễn ra bập bõm, nhưng bằng linh cảm bà Hoàn tin đó là người em “liệt sĩ” của mình.

Bà kể: Bắt máy là giọng một nam giới đã luống tuổi, nói giọng miền Nam giới thiệu tên là Dầu. Sau vài câu chuyện gia đình, khi nói đến chuyện quê nhà ở Hưng Yên thì Dầu chỉ nhớ bập bõm, hoặc nói nhầm nơi này sang nơi khác. Tôi bắt đầu nghĩ chắc là có sự nhầm lẫn, định dập máy thì Dầu bất chợt hỏi: “Có phải chị từng làm ở nhà máy đay không”, tôi bảo “đúng”.

Sau đó, Dầu kể thêm một vài kỷ niệm lúc niên thiếu. Lúc này, tôi hét to trong điện thoại: “Đúng là cậu Dầu rồi. Đúng là cậu Dầu rồi”.

Tháng 3/2014, gia đình ông Dầu gồm 5 người trở về Hưng Yên. Vừa xuống xe, người thân hết sức ngỡ ngàng khi thấy một người đàn ông dáng vẻ tiều tụy, khắc khổ xuất hiện. Phút giây gặp nhau, mấy chị em ôm nhau khóc nức nở. 

“Gặp lại con sau 36 năm, tôi đứng như “trời trồng”, không biết phải nói gì. Tôi ôm chầm lấy con và nó cũng ghì chặt lấy tôi”, cụ Nụ, mẹ ông Dầu kể lại.

Còn ông Ngọc Anh thì thổn thức: “Khi thấy anh Dầu là tôi nhận ra ngay. Khuôn mặt, vóc dáng của anh làm sao tôi quên được, dù hai anh em đã xa nhau 36 năm”.

Hay tin ông Dầu trở về, bà con làng xóm đến thăm hỏi và để “nhìn tận mắt, bắt tận tay” liệt sĩ. Đại diện chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng tới thăm hỏi, tặng quà. 

“Bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử của mày đây. Chỗ này là nơi đặt hòm gỗ, phủ cờ đỏ sao vàng, cử hành lễ truy điệu mày đây, Dầu ạ”, cụ Nụ chỉ cho ông Dầu khi vừa đặt chân vào nhà.

Lưu lạc

Theo người thân trong gia đình ông Dầu, tháng 9/1978, khi 17 tuổi, ông Dầu tình nguyện nhập ngũ. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 207, Trung đoàn 127 và tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Cuối năm 1979, gia đình nhận được lá thư cuối cùng và từ đó không có bất cứ tin tức gì về ông.

Năm 1993, gia đình nhận được giấy báo tử, cho biết ông hy sinh, không tìm được thi thể. Ngày nhận giấy báo tin Nguyễn Đình Dầu hy sinh, cả nhà chìm trong nước mắt. Hàng năm, gia đình đều căn cứ vào giấy báo tử ngày ông hy sinh để làm giỗ.

Theo ông Dầu, khi đang tham gia chiến đấu, ông bị lạc đơn vị vào rừng, khi đang tìm đường ra thì rơi vào ổ phục kích của địch. Trong lúc đang chiến đấu, pháo địch rơi ngay bên cạnh làm ông ngất đi. Tỉnh lại, ông đi tìm thức ăn, nước uống ở trong rừng. Ông không chỉ tiều tụy về thể xác, mà trí nhớ cũng suy giảm nghiêm trọng, thậm chí không còn nhớ tên họ của mình là gì, quê quán ở đâu.

Ông Dầu đang chăm sóc rau màu. 

Sau một thời gian, ông gặp bà Lê Thị Mỹ (56 tuổi, quê An Giang) khi bà đi rừng. Bà nhiệt tình giúp đỡ ông về tinh thần, chăm lo cho sức khỏe của ông rồi đưa về gia đình. Thấy đôi trẻ quý mến nhau, gia đình tác thành đôi lứa và đám cưới được tổ chức sau đó.

Thương ông bà khốn khó, mọi người cất cho một căn nhà nhỏ làm chỗ ở. Vài năm sau, 3 người con lần lượt ra đời. Để trang trải cuộc sống, ông bà đi chăn bò thuê, làm mướn.

Tại địa phương nơi ông sinh sống (ấp Tân Thanh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang), mọi người và chính quyền địa phương biết đến ông Dầu với tên Nguyễn Văn Sál.

Ông không nhớ rõ quê mình ở đâu, chỉ nhớ cái tên Phương Chiểu và gần nhà có một cây đa rất to. Một lần bị ốm, ông được đưa đi điều trị tại một trạm y tế gần nhà. Tại đây, ông gặp y tá tên là Nguyệt (quê ở Thái Bình). Trong khi trò chuyện, bà Nguyệt gợi lại nỗi niềm của người con xa quê đã khiến ông Dầu mang máng nhớ lại chuyện xưa. Ông Dầu còn nhớ ra tên thường gọi ở nhà của mình là Đương, nhớ tên em trai là Anh.

Biết chuyện, bà Nguyệt hỏi tin tức, tìm địa chỉ giúp. Căn cứ vào cái tên Phương Chiểu, bà tìm các địa danh liên quan. Sau khi liên kết các dữ liệu từ ông Dầu, bà xác định được ông quê ở Hưng Yên và gửi thư về cho gia đình ông.

Sau khi về quê, gia đình ông rất khó khăn. Cả 5 người ở tuổi trưởng thành nhưng sinh sống trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 20 m2 đã xuống cấp. Hầu hết các con thất học nên phải đi làm thuê để kiếm sống, còn vợ chồng ông canh tác trên hơn 1 sào đất của gia đình. Vụ nào ông trồng rau nấy, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

Trong khi chính quyền địa phương cũng chưa có chính sách gì giúp đỡ. Nhìn cảnh đó, bà con lối xóm ai cũng thương xót cho gia đình ông. Có lẽ, gia đình ông đang là hộ nghèo nhất thôn.

‘Liệt sĩ’ trở về dù nhà ngoại cảm đã tìm thấy hài cốt

“Liệt sĩ” đã được “nhà ngoại cảm” tìm thấy “hài cốt” mang về chôn cất, nhưng bất ngờ trở về. Gia đình ông cho biết, đang xem xét các thủ tục, cân nhắc kiện nhà ngoại cảm này ra tòa.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/tro-ve-sau-36-nam-la-liet-si-379996.bld

Theo Thùy Phương/Lao Động

Bạn có thể quan tâm