Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong cuộc họp báo tại Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Mở đầu cuộc họp báo diễn ra từ lúc 13h30, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu: "Tự do hàng hải rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và khu vực. Tất cả các quốc gia trong khu vực cần kiềm chế để giữ hòa bình trong khu vực".
"Cộng đồng quốc tế kêu gọi hai bên (Việt Nam và Trung Quốc - PV) giải quyết theo phương cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế", ông Russel nói.
“Nước Mỹ có những cuộc đối thoại tốt, sâu sắc và không thiên vị với tất cả những quốc gia liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Tất cả những gì chúng tôi sử dụng là kênh ngoại giao ở mọi cấp bậc thúc đẩy các bên liên quan hướng đến biện pháp ngoại giao mang tính xây dựng nhằm giải quyết những khác biệt của họ".
Không nên hành động đơn phương, nguy hiểm
Ông Daniel Russel đặc biệt nhấn mạnh Mỹ có quan điểm mạnh mẽ rằng các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần phải được xử lý một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mỹ cũng đã có cam kết đối với tự do hàng hải và thương mại hợp pháp. Nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế khu vực quan trọng và quá mong manh nên khó có thể đối phó nếu nó gia tăng thành xung đột". Vì vậy, ông Russel chính thức kêu gọi các quốc gia ở khu vực kiềm chế các hành động đơn phương có thể đặt hòa bình vào tình trạng nguy hiểm và gia tăng căng thẳng.
"Tôi xin nhắc lại quan điểm của chúng tôi là rất rõ ràng: Mỹ kêu gọi các nước và các bên tranh chấp kiềm chế, tận dụng các kênh ngoại giao và chính trị để giảm căng thẳng, quản lý tranh chấp và cuối cùng nhằm giải quyết các vấn đề chủ quyền. Mỹ có quan điểm từ lâu rằng các nước tranh chấp cần tận dụng quyền sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế. Thông điệp đơn giản của tôi là kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế".
Quan hệ Mỹ và châu Á
Về quan hệ Mỹ và châu Á, ông Russel cho biết: "Mỹ chủ động thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua đàm phán thương mại và đầu tư song phương TPP. Tôi nghĩ, mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa những nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ tạo ra sự hợp tác tốt đẹp, cam kết hòa bình và răn đe những hành vi khiêu khích đơn phương".
Trả lời câu hỏi của báo chí Việt Nam, ông Daniel Russel khẳng định chuyến thăm Hà Nội lần này, ông và các quan chức Việt Nam đã tập trung thảo luận vấn đề Đông Nam Á và châu Á. Ông cho biết có mặt ở Hà Nội lần này là để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và tăng cường các cơ chế đối thoại cũng như hợp tác với Việt Nam. Cụ thể, ngày 7/5, ông đã dành gần hết cả ngày tham gia Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Việt Nam. Đây là buổi tham vấn thứ 3 về các vấn đề khu vực. Daniel Russel cho biết ông đã gặp Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, các quan chức Đảng, Văn phòng chính phủ...
Ông Daniel Russel công nhận: “Không có gì ngạc nhiên, chúng tôi cũng thảo luận tình hình ở Biển Đông”. Ông cho biết phía Việt Nam đã thông báo tóm tắt tình hình liên quan đến giàn khoan của Trung Quốc đưa ra Biển Đông ở quần đảo Hoàng Sa.
Với câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Mỹ với việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Daniel Russel nêu lại quan điểm mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra và ông cho rằng quan điểm của Mỹ đã được thể hiện khá rõ ràng.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á - Thái Bình Dương, việc Mỹ tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam là một phần trong kế hoạch can dự rộng hơn của Mỹ ở khu vực châu Á. “Chúng tôi rất quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương vì đây là nơi gắn bó trực tiếp tới lợi ích kinh tế, an ninh lâu dài của Mỹ”.
Cuộc họp báo của ông Daniel Russel tại Hà Nội có sự tham gia của nhiều đơn vị truyền thông Việt Nam và quốc tế như Đài truyền hình Việt Nam, Reuters...
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc Đối thoại Mỹ - Việt Nam vùng châu Á - Thái Bình Dương và thăm Hà Nội trong hai ngày 7 và 8/5.
Trước đó ở Hong Kong, ông Russel trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ vấn đề giàn khoan Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và kêu gọi tất cả các bên hành xử thận trọng, kiềm chế.