Gần một năm trước, chuyện 17 hộ dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) một ngày đồng loạt đập bỏ nhà cửa khang trang, kiên cố sau mấy chục năm an cư, quyết bỏ làng vì sợ ma, rúng động khắp cả vùng.
Các hộ dân về nơi ở mới dựng nhà sống nhờ vào sự đùm bọc của người dân. |
Trở lại Bút Tưa, các hộ dân về nơi ở mới đang dần ổn định cuộc sống đón tết trong sự đùm bọc, sẻ chia của dân làng. Nhưng câu chuyện về ma quỷ vẫn ám ảnh trong tiềm thức người dân nơi đây.
Những người hùng ở lại
Trời mưa, khiến khu đất tổ 2 Bút Tưa cũ ảm đạm khi chiều xuống. Những căn nhà bỏ hoang, những bức tường bê tông bị đập nham nhở, cây cỏ mọc um tùm. Tất cả các ngả đường vào tổ 2 đều bị rào kín. Người dân tin rằng, rào đường thì “con ma” sẽ không thể theo dân làng về nơi ở mới nữa.
Gần một năm trước, tổ 2 Bút Tưa liên tiếp có 4 người chết do thắt cổ tự tử. Câu chuyện nảy sinh từ đó. Theo quan niệm của dân làng, đó là những cái “chết xấu”.
Dân làng đi xem bói, thầy bói phán phải bỏ làng, không sẽ chết. Dân làng tin răm rắp, để rồi những căn nhà trị giá hàng chục triệu đồng được dân làng đập đi không thương tiếc. Vùng đất trù phú bỗng chốc thành bãi đất hoang bí ẩn với dân trong vùng.
Sự việc xảy ra xôn xao cả tỉnh Quảng Nam. Chính quyền huyện Đông Giang đã phải tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm liên quan đến sự việc xảy ra tại thôn Bút Tưa với sự có mặt của hàng trăm đại biểu là các già làng, trưởng bản ở 80 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cùng đại diện các cơ quan, ban ngành.
Khu đất cũ của 17 hộ dân giờ bỏ hoang, trở thành vùng đất ám ảnh đối với người dân. |
Theo huyện Đông Giang, sự việc xảy ra do trình độ dân trí chưa cao. Những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của một bộ phận người dân.
Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong công cuộc đổi mới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Hỏi chuyện làng cũ, anh Ớt cho biết: Dân làng đi xem bói, thầy bói nói không chuyển đi là sẽ chết nữa. Chính quyền vận động, rồi hỗ trợ tiền nên dân ở lại”. Hai bạn nhậu của anh khua tay: “Đang nhậu, đừng nhắc chuyện ma, sợ lắm!”.
Đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc giải quyết các vấn đề trong nhân dân địa phương và nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào bản địa. Riêng xã Sông Kôn, nhất thiết phải tổ chức hội nghị đánh giá đầy đủ những vấn đề xảy ra tại thôn Bút Tưa để rút ra bài học kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục một cách nghiêm túc sự việc trên.
Để xóa tì vết và ám ảnh về việc trên, chính quyền còn có “sáng kiến” đổi tên làng Bút Tưa. Tuy nhiên sau đó, “sáng kiến” này không nhận được sự đồng thuận của người dân. Bút Tưa vẫn được giữ nguyên trong bản đồ hành chính của Sông Kôn.
Sợ “ma”, 17 hộ ở tổ 2 của thôn Bút Tưa đã chuyển đi, duy chỉ 10 hộ dám “liều mình” ở lại. Trong số 10 hộ đó có gia đình già làng ALăng Văng (89 tuổi). Già Văng và 9 hộ gia đình khác trở thành những “người hùng” khi dám đương đầu với ma quỷ, dám đối lại số đông của dân làng. Già Văng ánh mắt buồn nhìn qua phía gò đất cao, trước đây đẹp đẽ, sạch sẽ nhất thôn nay là bãi hoang, cây cối um tùm, huyền bí.
Già Văng kể rằng, ngày dân làng rục rịch chuyển đi, già làng đứng ra họp dân làng nhưng dân làng không nghe. Khuyên nhủ đủ điều nhưng dân làng vẫn quyết bỏ làng vì quá sợ ma.
Khuyên nhủ hết lời, chỉ còn 10 hộ dân chịu ở lại nơi ở cũ. Già Văng lúc đó bất lực và buồn lắm vì lời già làng không bằng lời thầy bói.
Già làng Alăng Văng, một trong những người dám ở lại làng cũ, không sợ ma. |
Gặp lại già Văng hỏi già có sợ ma không? Già cười: “Mình sống đường hoàng, việc gì phải sợ”. Ấy nhưng, khi nhờ già dẫn qua làng cũ, già lại lắc đầu: “Không dám đâu. Dân làng ở lại giờ không muốn nhắc chuyện cũ nữa. Khu đất đó, dân làng không ai dám vào đâu”.
Con trai già Văng là anh ALăng Ớt, đang ngồi nhậu với 2 người đàn ông khác của thôn. Trước mặt họ là cái đầu cá và chai rượu gạo.
Hỏi chuyện làng cũ, anh Ớt cho biết: Dân làng đi xem bói, thầy bói nói không chuyển đi là sẽ chết nữa. Chính quyền vận động, rồi hỗ trợ tiền nên dân ở lại”. Hai bạn nhậu của anh khua tay: “Đang nhậu, đừng nhắc chuyện ma, sợ lắm!”.
Sống nhờ yêu thương, đùm bọc
Tổ 1 thôn Bút Tưa là điểm dừng chân của 17 hộ dân tổ 2. Dạo quanh làng, nhiều người lảng tránh không muốn bắt chuyện. Có người bỏ chạy nhanh khi nhắc chuyện cũ.
Những căn nhà vách nứa đã được dựng lên trên những nền đất của người dân nơi đây. Từ ngày về đây, 17 hộ dân sống trong sự yêu thương sẻ chia của dân làng nơi đây. Người dân tổ 1 không ai bảo ai, nhường đất cho các hộ dân làm nhà, nhường ruộng cho họ canh tác. Theo thời gian, họ cũng đã dần ổn định.
Phía cuối làng, là căn nhà của Alăng Phiếu được dựng cách đây không lâu. Alăng Phiếu là một trong 17 hộ của tổ 2 thôn Bút Tưa đã rời làng vào tháng 2 năm ngoái. Giờ cả vợ con và mẹ của Phiếu phải sống cảnh chen chúc trong căn nhà tạm bợ. Nền đất là của dân làng cho, Phiếu tự đốn cây, chặt tre, tìm lá cọ để làm căn nhà tạm này.
“Trước nhà cửa khang trang, nay ở nhà tạm, nghĩ lại thấy mình dại quá. Nhưng giờ đã lỡ rồi, phải chấp nhận và cố gắng để làm nhà mới thôi. Ở đây, tập tục bỏ làng đi là không có quay về nữa”, Phiếu nói. Nhưng hỏi Phiếu bao giờ làm nhà, Phiếu nhìn vợ con nheo nhóc rồi lắc đầu: “Chưa biết. Giờ hai vợ chồng đi làm thuê, gom góp để làm nhà. Mong sao chuyện cũ không còn tái diễn”.
Alăng Ớt bên mâm rượu, nhắc đến ma quỷ họ đều sợ. |
Tại tổ 1 đã có 11 hộ trong tổng số 17 hộ dựng nhà, ấy là kể luôn những căn nhà các gia đình anh em cùng dựng và sống chung với nhau, hoặc được bà con nhường lại để ở. Số còn lại hiện vẫn phải sống dưới những căn nhà tạm hoặc nương nhờ những người bà con. Những ngôi nhà mới được dựng, phần lớn đều chỉ mới lợp mái, làm bằng phên nứa.
Có hai căn nhà xây khang trang nhất là của Alăng Thị Poói và Alăng Thừa. Một được Mặt trận huyện hỗ trợ 30 triệu đồng theo diện chính sách, một làm đơn vay tiền dựng nên. Tình cảnh chung của các hộ đều thiếu thốn khó khăn bủa vây vì đã lỡ đập nhà cửa, bỏ làng đi.
Hôm chúng tôi lên, hơn 100 đoàn viên thanh niên Huyện Đoàn Đông Giang vừa tổ chức chương trình Xuân tình nguyện tại thôn Bút Tưa. Các bạn trẻ đã phát dọn làm vệ sinh khu dân cư Bút Tưa vệ sinh dọc tuyến đường bê tông vào các khu dân cư của làng Bút Tưa và thực hiện việc san ủi mặt bằng, láng nền nhà, làm nhà vệ sinh cho các hộ gia đình khó khăn tại làng, tổ chức hoạt động giao lưu nghệ thuật và trao 71 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho các hộ gia đình khó khăn của làng Bút Tưa, giúp đồng bào có thêm điều kiện trong cuộc sống đón Tết. Dân làng ai cũng phấn khởi, nhất là 17 hộ dân đã một lần trót dại, nghe theo lời thầy bói.
Anh Alăng Điều, trưởng thôn Bút Tưa, cho biết: 17 hộ dân về tổ 1 sống thiếu thốn và khó khăn, được dân làng Bút Tưa cưu mang, nhường đất, nhường cơm. Tất cả sống nhờ vào sự đùm bọc sẻ chia giúp đỡ của dân làng tổ 1.
“Dân làng giờ không muốn nhắc chuyện ma quỷ nữa đâu vì họ sợ con trẻ sẽ ám ảnh về sau. Giờ dân làng đã biết cái sai, ân hận về việc đã làm. Mong sao, dân làng có nhiều hơn sự giúp đỡ từ bên ngoài để sớm ổn định, xây dựng cuộc sống mới”, anh Điều tâm sự.