ESPN đã gọi hậu trường Barca lúc này không khác gì bộ phim truyền hình nổi tiếng "Game of Thrones" (Trò chơi vương quyền). Hôm 7/4, truyền thông Catalonia đưa tin Chủ tịch Bartomeu chuẩn bị tiến hành một cuộc "thanh trừng nội bộ" mới nơi thượng tầng Barca.
Bartomeu tiếp tục thanh lọc nội bộ Barca. Ảnh: Getty. |
Chất độc mới ở Camp Nou
Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Barca của Bartomeu sẽ kết thúc vào tháng 6/2021, và ông không thể tiếp tục ứng cử sau khi đã làm việc đủ hai nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo (Phó Chủ tịch và Chủ tịch).
Thế nhưng, "cuộc binh biến" mà Bartomeu vừa thực hiện vẫn cho thấy tham vọng to lớn của ông. Chủ tịch Barca tin rằng có vài thành viên trong ban lãnh đạo đã "phản bội" mình.
Bartomeu yêu cầu hai Phó chủ tịch Emili Rousaud và Enrique Tombas từ chức. Trong số 2 cái tên kể trên, Rousaud được cho là ứng viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch sắp tới.
"Bartomeu đã gọi tôi và nói rằng ông ấy có vấn đề với các thành viên ban lãnh đạo", Rousaud phát biểu trên Cadena Ser. "Ông ấy nói với tôi rằng đã có những rò rỉ từ đội ngũ lãnh đạo".
Sự phản bội mà Bartomeu nói đến có thể xuất phát từ scandal diễn ra vào tháng 3. Truyền thông tung các bằng chứng cho thấy Bartomeu và công sự đã dùng tiền để bôi nhọ cầu thủ lẫn nhân vật đối lập ở Barca. Những người như Messi, Xavi hay Pep Guardiola là các nạn nhân.
Ban lãnh đạo Barca được cho đã thuê người sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội để đăng các bình luận tiêu cực liên quan đến việc Messi không chịu gia hạn hợp đồng hoặc đưa ra yêu sách. Ngoài ra, các tài khoản còn đăng các bình luận tiêu cực về việc kinh doanh của Pique, hay tiết lộ thông tin HLV Pep Guardiola gây tai nạn sau khi đâm 4 chiếc xe.
Bartomeu tin rằng có ai đó đã trong thượng tầng Barca đã để rò rỉ những thông tin gây bất lợi cho ông và các cộng sự. Cuộc thanh trừng tới đây nhằm mục đích loại bỏ những “Quả táo thối” trong đội ngũ BLĐ.
Đáp lại, Rousaud khẳng định mình không phải kẻ truyền tin dù có nói chuyện với báo chí. "Tôi bảo Bartomeu rằng, hãy nói chuyện mặt đối mặt với nhau", vị doanh nhân này khẳng định.
Bartomeu giờ giống như một vị vua đang làm tất cả để cố gắng ngăn vương triều sụp đổ, kể cả đó là việc tạo ra một thứ chất độc mới ở Camp Nou.
El Pais bình luận Bartomeu biết ông còn tại vị là nhờ ánh hào quang của cú ăn ba năm 2015. Kể từ đó đến nay, con tàu Barca gần như đã mất lái. Nó chưa đâm vào tảng băng lớn nào, bởi vẫn còn hoa tiêu Messi.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngay cả người hoa tiêu ấy cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, và thậm chí sẵn sàng dùng quyền lực của mình để bảo vệ bản thân và các đồng đội?
Messi đang có những mâu thuẫn với BLĐ Barca. Ảnh: Getty. |
Lời tuyên chiến của Messi
"Tôi muốn thông báo rằng ngoài việc toàn đội đồng ý giảm 70% thu nhập, các cầu thủ sẽ góp thêm tiền để đảm bảo các nhân viên của CLB được giữ nguyên 100% lương khi khủng hoảng kéo dài", Messi viết trên trang cá nhân vào cuối tháng 3.
Tất cả sẽ giống như một bản thông báo đẹp bình thường nếu không có lời công kích sau đó. "Chúng tôi thật sự bất ngờ vì có người trong đội bóng không ngừng đặt chúng tôi dưới kính hiển vi, liên tục gây sức ép để chúng tôi làm điều mà chúng tôi chắc chắn sẽ làm", Leo viết tiếp.
Lần thứ hai trong 2 tháng, cầu thủ người Argentina trực tiếp tấn công vào BLĐ đội bóng. Trong lần tuyên bố vào tháng Hai, Messi công kích Giám đốc thể thao Eric Abidal.
Lời tuyên bố Messi diễn ra không lâu sau khi xuất hiện các thông tin từ truyền thông cho biết, nhiều cầu thủ Barca không đồng ý giảm lương trong thời điểm mùa giải đang bị hoãn vì dịch bệnh.
Chủ tịch Bartomeu, trong một thông điệp vội vàng như để bào chữa sau phát biểu của Messi khẳng định: "Trong cuộc họp đầu tiên, Messi đã nói các cầu thủ chắc chắn phải làm điều đó (giảm lương)".
Tuy nhiên, cộng sự của Bartomeu, CEO Oscar Grau lại suy nghĩ khác: "Anh hùng ư? Các cầu thủ đã làm đúng những gì luật quy định. Nếu họ đồng ý trả thêm thuế thu nhập cá nhân chúng tôi sẽ cảm ơn họ vì sự hào phóng. Họ không phải là những người như vậy. Điều tốt nhất họ làm trong vụ này là giúp một phần tiền lương để các nhân viên của CLB không bị ảnh hưởng do ERTE".
ERTE là điều luật qui định các chủ doanh nghiệp ở Tây Ban Nha có quyền cắt giảm 70% lương tạm thời của các nhân viên trong tình trạng khẩn cấp.
Phát biểu của Oscar Grau là hợp lý nếu xét trên khía cạnh kinh tế và quản lý. Barca đang là CLB có quỹ lương lớn nhất thế giới bóng đá với hơn 500 triệu euro/năm (tính sau mùa 2018/19, thống kê Companies House). Đội chủ sân Camp Nou dự kiến tiết kiệm được 16 triệu euro tiền lương mỗi tháng sau khi áp dụng ERTE.
Tuy nhiên, một CLB bóng đá không bao giờ vận hành giống hoàn toàn một doanh nghiệp của chủ nghĩa tư bản. Nhất là khi các CĐV Barca luôn tự hào về slogan "hơn cả một CLB", với những giá trị cộng đồng và tính biểu tượng sâu sắc.
Ban lãnh đạo Barca có thể không cần quan tâm đến ý kiến của các cầu thủ để đưa ra quyết định giảm lương "tàn nhẫn" kể trên, nhưng hậu quả về lâu dài sẽ ghê gớm hơn tưởng tượng.
Ở Juventus, đội trưởng Chielini và BLĐ đội bóng phải có nhiều cuộc nói chuyện với Cristiano Ronaldo và các trụ cột ở Juventus trước khi tiến hành giảm lương. Tại Đức, đất nước không áp dụng ERTE, dàn sao Bayern và Dortmund đồng ý giảm 20% lương mỗi tháng. Ở Anh, các cầu thủ MU đồng ý giảm 30% lương mỗi tháng.
Với việc hy sinh 70% tiền lương, các cầu thủ Barca đang là những ngôi sao bóng đá giảm lương nhiều nhất trên thế giới.
Sau Abidal, Oscar Grau là lãnh đạo thứ hai ở Camp Nou mất bình tĩnh với Messi. Ảnh: Getty. |
Sự chia rẽ sâu sắc
"Tôi muốn làm rõ là chúng tôi luôn chấp nhận giảm lương của mình. Chúng tôi là những người đầu tiên luôn sẵn sàng giúp đỡ CLB khi cần. Thậm chí đã nhiều lần chúng tôi chủ động làm điều tương tự vào những lúc mà chúng tôi nghĩ là cần thiết", Messi viết.
Lời công kích của Messi cho thấy anh và các cầu thủ Barca cảm thấy mình đang trở thành nạn nhân của những chiêu trò chính trị nơi thượng tầng.
Tháng 9/2019, BLĐ Barca thông qua Mundo Deportivo tiết lộ việc các cầu thủ đang nắm quá nhiều quyền lực ở sân Camp Nou, qua đó lấn át vai trò của BLĐ. Tờ báo này ám chỉ sự lũng đoạn của các cầu thủ Barca là nguyên nhân lớn khiến đội bóng sa sút trong giai đoạn đầu mùa.
Pique sau đó tuyên bố trên Marca: "Chúng tôi biết ai là người viết ra những bài báo đó. Chúng tôi biết từ đâu mà họ có những thông tin đó, cho dù tên tuổi của họ không xuất hiện trong bài báo đó".
Hành động của Bartomeu, thông điệp của Messi hay phát biểu từ Oscar Grau đã gieo rắc vào bầu không khí ở Camp Nou một thứ chất độc tuy mới mà cũ.
Cũ ở chỗ những trò bẩn nơi hậu trường, vào các thời điểm Barca bầu cử lãnh đạo đã diễn ra trong hàng chục năm qua. Mới ở chỗ đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng, các cầu thủ và quan chức tấn công, bôi nhọ hoặc hạ bệ nhau trong một thời gian dài.
"Trò chơi vương quyền" của Barca dường như vẫn chưa bước vào giai đoạn gay cấn nhất. Những người đang lăm le ngồi vào ghế chủ tịch của Barca có Rousaud, Victor Font (người được Xavi ủng hộ) hay thậm chí là Joan Laporta.
Về phần Messi, anh hiểu rằng lời đáp trả của mình có thể tạo ra một cơn sóng mới trong lòng đội bóng. Đó là cơn sóng đủ để cuốn phăng những người đang ngồi trên ghế lãnh đạo. Và thậm chí, quyền lực của Messi cũng có thể định đoạt cho chiếc ghế chủ tịch tiếp theo của Barca.