Cuối ngày làm việc 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, Thủ tướng giới thiệu ông Nguyễn Mạnh Hùng, người đang giữ chức vụ Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm. Ngay sau khi nghe Thủ tướng đọc tờ trình, Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dự kiến sáng 24/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (nếu có) rồi Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng bỏ phiếu kín.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Ngày 23/7, Chủ tịch nước ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Bộ Chính trị cũng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 23/7, Chủ tịch nước ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Tại Quyết định 900/QĐ-TTg ký ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trước đó, Bộ Chính trị có quyết định chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, nguyên quán tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh; là kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia.
Ông Hùng từng giữ các vị trí Phó giám đốc công ty Viễn thông Viettel, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Ông được coi là kiến trúc sư trưởng sau những thành công mang tính cách mạng của tập đoàn này.
Tham gia thị trường viễn thông năm 2000, Viettel đã tạo cuộc chơi mới khi phá vỡ thế độc quyền và vượt lên dẫn đầu tại Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bí quyết thành công của Viettel chính là làm khác biệt. Khi các hãng viễn thông tập trung thành thị, Viettel chọn con đường đánh chiếm nông thôn, đưa di động, Internet thành dịch vụ bình dân tại Việt Nam.
Năm 2012, Viettel đã bỏ xa VNPT với lợi nhuận gần gấp 3 lần. Với doanh số trên 10 tỷ USD vào năm 2016, Viettel thuộc top 3 thương hiệu giá trị nhất tại Việt Nam. Viettel cũng đã vươn ra đầu tư thị trường nước ngoài, hiện diện tại 3 châu lục.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (1/2016), ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong năm này, ông trở thành Tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.