Mới đây, NSƯT Trịnh Kim Chi đã có buổi tiệc mừng sinh nhật tuổi 48 bên gia đình và người thân. Trong tháng sinh nhật, nữ diễn viên nhận hai tin vui. Cô nhậm chức Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM và đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Zing có cuộc trao đổi với Á hậu Trịnh Kim Chi.
- Đầu tháng 8, chị nhậm chức Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Vị trí này đặt ra những thách thức gì cho chị?
- Trước khi vào ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM, tôi cũng là một nhà quản lý sân khấu xã hội hóa. Tôi hiểu và nắm rõ cách vận hành của thị trường. Bây giờ, trên cương vị Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, tôi không chỉ có trách nhiệm bảo vệ đơn vị của mình mà còn phải lên tiếng vì đại cục ngành. Tôi cần trở thành cầu nối, đề đạt ý kiến, nguyện vọng của nghệ sĩ đến ban lãnh đạo thành phố.
Trịnh Kim Chi vừa đón sinh nhật. Ảnh: FBNV. |
Tình hình sân khấu tại TP.HCM tê liệt từ đầu năm vì dịch bệnh. Nhiều sân khấu phải đóng cửa. Đoàn kịch của tôi không phải ngoại lệ. Những đơn vị hoạt động cũng chỉ là đang cầm cự, bán vé không ai mua. Mọi người nào dám đánh cược sức khỏe. Cách ly xã hội kéo dài khiến tôi lo rằng khán giả đánh mất thói quen ra rạp xem kịch.
Ngày diễn ra đại hội, tôi có lắng nghe ý kiến của các nghệ sĩ và bậc lão thành nhằm khôi phục nghệ thuật sân khấu thành phố. Đây là kế hoạch lâu dài, cần sự giúp sức của cơ quan chính quyền. Sân khấu đã vang bóng một thời thì chúng ta cần tìm cách để loại hình nghệ thuật này tìm lại vị thế.
- Khi sân khấu kịch đã đi qua thời hoàng kim, việc xã hội hóa sân khấu khiến các đơn vị kịch nghệ TP.HCM gặp phải những khó khăn gì, thưa chị?
- Sân khấu kịch xã hội hóa là tự lo thu, chi. Nhiều quản lý sân khấu tư nhân tâm sự với tôi về nỗi lo cơ sở vật chất. Các ông bầu, bà bầu thường phải chi trả khoản tiền lớn để thuê địa điểm diễn. Tuy nhiên, số vé bán được lại không nhiều. Nghệ sĩ cũng phải lặn lội bán từng tấm vé. Tôi đang ấp ủ đề xuất xây dựng một sân khấu chung để các đơn vị xã hội hóa cùng sử dụng, giảm bớt gánh nặng về chi phí nhà rạp cho nghệ sĩ.
- Sân khấu khó khăn, nhiều diễn viên chuyển nghề khác kiếm sống để lại những bất cập nào cho kịch?
- Sân khấu tư nhân trả lương diễn viên dựa trên lượng vé bán được. Các đoàn kịch nhà nước tuy cát-xê thấp hơn đơn vị xã hội hóa nhưng họ có lương cứng. Có những hôm tôi bán được ít vé, các diễn viên sẵn sàng không lấy tiền cát-xê. Để mưu sinh, nhiều nghệ sĩ đang phải chuyển nghề, làm những công việc như bán hàng online. Tuy nhiên, khi tôi cần, họ đều có mặt, nhiệt huyết diễn xuất dù cát-xê không cao.
- Vẫn có những vở kịch cháy vé khi ra rạp. Vậy nguyên do sân khấu kịch ế ẩm thực chất nằm ở đâu?
- Có những vở kịch cháy vé ngay suất diễn đầu tiên, nhưng dần dần mất hẳn sức hút. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chất lượng kịch bản, cách dàn dựng và cách tiếp cận không hợp thị hiếu khán giả.
Nhiều bộ phim lúc sản xuất cứ nghĩ chắc thắng, thực tế lại trái ngược. Tôi nghĩ rằng các đạo diễn, biên kịch phải sáng tác ra những vở kịch vừa hay, ý nghĩa lại đáp ứng được nhu cầu thị hiếu công chúng. Kịch bản chất lượng bây giờ rất hiếm. Chúng ta nên đầu tư tài nguyên cho cả các trại sáng tác.
Sân khấu Trịnh Kim Chi đóng cửa vì mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
- Tới nay, việc duy trì sân khấu kịch khiến chị thua lỗ đến đâu?
- Tôi không muốn đưa ra con số cụ thể, nhưng khoản thua lỗ là không nhỏ. Tôi không kỳ vọng cao. Những đêm diễn có doanh thu đủ trả phí mặt bằng và lương cho ê-kíp là tôi hạnh phúc lắm rồi. Thông thường, tôi tự bỏ tiền ra để sản xuất các vở kịch. Tác phẩm nào trụ lại lâu thì bù vốn còn không thì xác định là lỗ.
- Tại sao thua lỗ nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi?
- Đó là cái nghề cái nghiệp của tôi. Ở đoàn, diễn viên nhiều khi từ chối nhận cát-xê vì biết tôi không bán được vé. Chính hành động của họ khiến tôi càng quyết tâm duy trì sân khấu kịch Trịnh Kim Chi. Sân khấu còn thì diễn viên vẫn còn "thánh đường" để tỏa sáng.
Ngoài ra, tôi còn có trung tâm dạy diễn xuất và hoạt động kinh doanh bên lề. Đó là những nguồn thu nhập để tôi bù trừ.
- Chồng chị có phản ứng như thế nào khi công việc làm ăn của vợ gặp nhiều khó khăn?
- Nếu ông xã tôi không động viên, giúp đỡ thì chưa chắc tôi đã có thể mở và duy trì được sân khấu Trịnh Kim Chi. Anh hiểu tình yêu tôi dành cho nghệ thuật nên ủng hộ hết mình.
Thấy tôi thua lỗ, chồng có hỏi đủ tiền bù không. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị. Hơn nữa, tôi cũng là người làm ra tiền nên đường cùng tôi mới nhờ chồng giúp đỡ kinh tế.
- Chị đã có những dự tính nào để phục hồi tình hình sân khấu kịch hậu dịch Covid-19?
- Định hướng thì khó nói trước. Tôi nghĩ người trong ngành phải tập lại cho khán giả thói quen tới sân khấu. Miếng cơm manh áo quan trọng hơn nên chỉ khi dư giả, người xem mới tính đến thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, tôi có ý định giảm giá vé, đồng thời, tổ chức các buổi diễn ở trường đại học để mang kịch nghệ tới gần hơn với công chúng.