Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên từng bắn hụt phi cơ trinh sát huyền thoại của Mỹ

Năm 1981, Triều Tiên từng phóng tên lửa về máy bay trinh sát SR-71 Blackbird của Mỹ bay trên không phận nước này nhưng không trúng mục tiêu.

SR-71 Blackbird (Chim đen) là máy bay trinh sát tốc độ cao do tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) chế tạo cho Không quân Mỹ những năm 1960. Chim đen được thiết kế để đạt tốc độ Mach 3 (khoảng 3.500 km/h).

SR-71 là máy bay trinh sát nhanh nhất từng được chế tạo, đỉnh cao công nghệ hàng không những năm Chiến tranh Lạnh. Ở thời điểm những năm 1960, hầu như không có máy bay nào có thể bắt kịp tốc độ của Chim đen.

Tốc độ nhanh đem lại cho SR-71 khả năng trinh sát vượt trội, máy bay có thể xâm nhập không phận để chụp ảnh rồi nhanh chóng thoát ra mà đối phương không kịp trở tay. 32 chiếc SR-71 đã được đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ từ năm 1964-1988, 12 chiếc rơi trong các vụ tai nạn. Tuy nhiên không có máy bay nào bị đối phương bắn hạ trong khi làm nhiệm vụ.

Lợi thế tốc độ cao, SR-71 từng xâm nhập nhiều khu vực nhạy cảm để tiến hành trinh sát. Đối phương từng nhiều lần cố bắn hạ phi cơ này nhưng không một lần thành công.

Theo War History Online, tháng 8/1981, SR-71 được giao nhiệm vụ bay trinh sát trên bán đảo Triều Tiên để theo dõi các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng. Khi bay qua khu phi quân sự (DMZ), phi công Maury Rosenberg phát hiện tên lửa đất đối không của Triều Tiên bắn lên theo đường di chuyển của máy bay.

Huyen thoai Chim den anh 1
Tên lửa đất đối không của Triều Tiên phóng lên gần SR-71, hình ảnh được ghi lại bởi máy quay trong buồng lái.Youtube.

SR-71 là phi cơ tốc độ cao nhưng khả năng cơ động trong phạm vi hẹp khá hạn chế. Máy bay không thể thực hiện động tác tránh tên lửa như các chiến đấu cơ thông thường. Điều duy nhất mà phi công Rosenberg có thể làm là lái máy bay tránh càng xa tên lửa càng tốt.

Điều may mắn là khi máy bay thay đổi đường bay, tên lửa không bám theo mà bay thẳng lên theo quỹ đạo ban đầu. Tên lửa đạt giới hạn tầm cao của nó và phát nổ cách SR-71 khoảng 1,6 đến 2,4 km. Khoảng cách này nghe có vẻ an toàn nhưng với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, vụ nổ cách máy bay chỉ 2 giây. Nếu thời gian tên lửa phát nổ chậm hơn, máy bay sẽ gặp nguy hiểm.

Khi đó, Triều Tiên đã cố gắng bắn tên lửa thứ 2 vào SR-71 nhưng nhờ tốc độ nhanh, Blackbird đã kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tên lửa bay đến. Tốc độ cao đã giúp Blackbird thoát khỏi sự truy đuổi của tên lửa đối phương trong nhiều nhiệm vụ trinh sát.

Ngày nay, SR-71 tuy không còn hoạt động nhưng vẫn là phi cơ trinh sát huyền thoại của Không quân Mỹ cũng như thế giới mà chưa có máy bay nào thay thế xứng tầm.

Tên lửa Triều Tiên lao về phía SR-71 Tên lửa đất đối không của Triều Tiên lao về phía SR-71 nhưng không trúng mục tiêu.

'Chim đen' SR-71, máy bay nhanh nhất mọi thời đại của Mỹ

Sở hữu công nghệ tàng hình cùng tốc độ bay khủng khiếp, SR-71 giữ kỷ lục về loại máy bay quân sự nhanh nhất trên thế giới.

 


Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm