Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên trước tương lai trở thành 'công xưởng mới của châu Á'

Những chuyển biến trong quan hệ liên Triều khiến lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc để ngỏ khả năng rót vốn vào Triều Tiên, biến nước này thành công xưởng mới tại châu Á.

Là một trong số 200 đại biểu Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Moon Jae In thăm Triều Tiên hôm 18/9, Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong ấn tượng mạnh bởi cách Bình Nhưỡng chào đón các doanh nhân hàng đầu của miền Nam. 

Tại khu vực gần nhà ga Bình Nhưỡng, chính quyền Triều Tiên trưng ra một tấm bích chương cổ động lớn với nội dung "Khoa học trên hết, tài năng trên hết".  Không biết vô tình hay hữu ý, khẩu hiệu này gần như tương tự với triết lý quản trị của Samsung: "Công nghệ trên hết, tài năng trên hết".

"Tôi chưa từng thấy điều gì giống như vậy tại bất cứ quốc gia nào. Tôi từng có bức tường ngăn cách vô hình trong tâm trí, nhưng nay tôi cảm thấy chúng ta thực sự là một dân tộc", Lee nói với một quan chức cấp cao Triều Tiên trong ngày đầu lưu lại Bình Nhưỡng.

Lạc quan sau chuyến thăm Bình Nhưỡng

Giống như đại diện Samsung, lãnh đạo cấp cao các tập đoàn lớn của Hàn Quốc có chung suy nghĩ lạc quan, họ bắt đầu nói về những khả năng thiết lập công việc kinh doanh tại phía Bắc vĩ tuyến 38. 

Trước công luận, Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xây dựng kế hoạch hợp tác kinh tế, và như những gì Seoul tuyên bố, hai nhà lãnh đạo muốn các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc, hay còn được gọi là các "chaebol", tham gia vào kế hoạch lớn.

Trieu Tien mo cua anh 1
Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong thăm Cung thiếu nhi Mangyongdae tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 9. Ảnh: Nikkei.

Tại Bình Nhưỡng, trước sự có mặt của lãnh đạo các chaebol được coi là "trái tim" của nền kinh tế Hàn Quốc, lãnh đạo hai miền nhất trí cùng phát triển nền kinh tế Triều Tiên, đặt bút ký thỏa thuận kết nối tuyến đường sắt và đường bộ ven biển hai miền. Hôm 15/10, quan chức Hàn - Triều lại vừa thống nhất khởi động dự án phát triển cơ sở hạ tầng vào cuối năm nay.

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng trước, lãnh đạo hai miền nhất trí khởi động lại Tổ hợp công nghiệp Kaesong, bị đóng cửa năm 2016 lúc căng thẳng leo thang. Đây vốn là khu công nghiệp chung đặt tại phía Bắc đường biên giới liên Triều, gồm nhà máy của 500 doanh nghiệp Hàn Quốc, tạo ra việc làm cho hơn 50.000 người Triều Tiên. 

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae In cũng đang gia tăng áp lực buộc các công ty Hàn Quốc đầu tư vào nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác liên Triều, từ xây dựng, năng lượng, viễn thông tới du lịch. 

Triều Tiên có thể trở thành trung tâm sản xuất điện thoại

Các nhà phân tích cho biết Tổ hợp công nghiệp Kaesong hiện vẫn là lựa chọn an toàn và hấp dẫn đối với các công ty Hàn Quốc bởi giá thuê nhà xưởng rẻ, mức lương lao động Triều Tiên thấp, cũng như người lao động ở đây nói chung ngôn ngữ với các ông chủ và quản lý cấp cao của Hàn Quốc. 

Theo thống kê của Hana Financial Investment, một công ty môi giới đầu tư của Hàn Quốc, lương tháng tối thiểu của người lao động tại Kaesong vào năm 2014 là khoảng 63,8 USD, thấp hơn mức 95,8 USD tại Việt Nam hay 194 USD tại Trung Quốc. Con số này tại Ansan, nơi từng là thủ phủ sản xuất đồ điện tử của Hàn Quốc, thậm chí cao hơn nhiều, khoảng 830 USD.

"Đối với Samsung Electronics, Triều Tiên là một ứng cử viên tiềm năng để xây dựng chuỗi dây chuyền sản xuất bởi họ có lao động giá rẻ, ở cùng múi giờ và chẳng có rào cản ngôn ngữ nào ở đây", You Seung Min, chiến lược gia trưởng của Samsung Securities cho biết.

Ông You cho biết Triều Tiên có thể đóng vai trò cơ sở sản xuất tại châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu, thậm chí có khả năng thay thế Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất điện thoại thông minh và màn hình của Samsung.

SK và Hyundai cũng có những tuyên bố đầy lạc quan. "Có rất nhiều cơ hội tại Triều Tiên", Chủ tịch SK Chey Tae Won nói.

Trieu Tien mo cua anh 2
Nhà sáng lập Hyundai Chung Ju Yung (trái) nắm tay cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng tháng 10/1998. Ảnh: Reuters.

Hyundai là một trường hợp đặc biệt, tập đoàn này có quan hệ nồng ấm với gia đình của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Người sáng lập tập đoàn Hyundai, ông Chung Ju Yung, sinh ra tại phía Bắc vĩ tuyến 38 trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ. Tập đoàn Hyundai từng cấp viện trợ và thực hiện các dự án kinh tế ở Triều Tiên trong quá khứ. Tại thủ đô Bình Nhưỡng hiện vẫn còn một sân vận động đặt theo tên nhà sáng lập của tập đoàn Hyundai.

Trong bối cảnh quan hệ hai miền nồng ấm trở lại, tập đoàn Hyundai rất mong muốn tái khởi động các chuyến lữ hành du lịch tới núi thiêng Kumgang tại Triều Tiên cũng như bắt đầu hàng loạt dự án họ từng lên kế hoạch trong quá khứ ở Bình Nhưỡng.

"So với chuyến đi từ 7 năm trước, Bình Nhưỡng nay đã đổi thay quá nhiều, tôi chẳng thể nhận ra nó nữa. Tôi biết còn nhiều trở ngại cần vượt qua, nhưng tôi cảm thấy có nhiều cơ hội cho chúng ta ở phía trước", Chủ tịch Hyundai Hyun Jeong Eun phát biểu sau khi trở về từ chuyến thăm Triều Tiên.

LG, tập đoàn tập trung chủ yếu vào năng lượng và hóa chất, có vẻ kín tiếng hơn. Tập đoàn này từng có kế hoạch xây dựng một tổ hợp truyền hình tại Triều Tiên nhưng sau đó phải hủy bỏ do căng thẳng hai miền leo thang năm 2009. Bất chấp những tiến triển gần đây trên bán đảo Triều Tiên, LG vẫn chưa có động thái rõ ràng nào.

Trong khi đó, tập đoàn Lotte cho biết nhìn thấy nhiều cơ hội tại phía Bắc đối với các ngành kinh doanh then chốt của hãng như khách sạn, xây dựng, thực phẩm và khu vực bán lẻ. Tuy nhiên, Lotte cũng nhấn mạnh những rủi ro phải đối mặt. "Lotte muốn chắc chắn chính quyền Triều Tiên đảm bảo rằng tập đoàn có thể rút lợi nhuận và cả vốn về (trong trường hợp sự cố xảy ra)".

Trở ngại và rủi ro vẫn ở trước mắt

Bất chấp sự lạc quan, những rủi ro và trở ngại vẫn còn đó. Cấm vận quốc tế do Liên Hợp Quốc phát động, được thực thi bởi cộng đồng quốc tế bao gồm Mỹ và cả chính Hàn Quốc, ngăn cản những ông lớn như Samsung, LG, Lotte hay Hyundai rót tiền xây dựng nhà máy tại Triều Tiên. 

Trừ khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, bất cứ kế hoạch đầu tư nào vào Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục bị đóng băng. Tuần trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết đang thảo luận với Mỹ về khả năng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Nhưng trong một diễn biến sau đó, Seoul đã rút lại thông tin này, cho thấy Washington rất cứng rắn trong vấn đề cấm vận buộc Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa.

Mỹ sẽ không dễ dàng nới lỏng "vòng kim cô" cấm vận cho tới khi Triều Tiên thực sự phi hạt nhân hóa. Hiện nay, hy vọng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt Triều Tiên phụ thuộc vào cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cuộc gặp nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra sau khi kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 đã sáng tỏ.

Trieu Tien mo cua anh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp lần 2. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia cũng đặt ra lo ngại về khả năng những tiến triển ngoại giao gần đây có thể kéo dài. Sự hòa dịu liên Triều từng đổ vỡ trong quá khứ, không có gì bảo đảm lần này sẽ khác. Nghi vấn liệu ông Kim Jong Un có thực sự nghiêm túc trong tuyên bố mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tới làm ăn tại Triều Tiên hiện vẫn là dấu hỏi.

Chi phí cho sự hợp tác đầy tham vọng giữa hai miền cũng là một nan đề cho Seoul. Hana Financial Investment ước tính sẽ cần khoảng 33,31 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống đường sắt của Triều Tiên. Chi phí để nâng cấp hệ thống đường bộ và viễn thông cũng không hề nhỏ, tiêu tốn lần lượt 20,3 tỷ USD9,4 tỷ USD.

Dù ngoài mặt, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tỏ ra hào hứng phấn khởi, chưa có bất cứ kế hoạch đầu tư vào miền Bắc nào được các chaebol đầy quyền lực của miền Nam đưa ra. Với Samsung, một nguồn tin cho biết tập đoàn này vẫn cực kỳ thận trọng khi tính tới khả năng rót vốn vào Triều Tiên.

"Samsung hiện ở trong tình thế khó khăn khi phải đối mặt sự cạnh tranh sống còn từ các đối thủ Trung Quốc với những sản phẩm tương tự với giá thành rẻ hơn. Với Samsung, đánh bại các đối thủ cạnh trạnh là ưu tiên cấp thiết hơn so với đầu tư vào Triều Tiên", một nguồn tin giấu tên cho biết.

Thay đổi từ nội bộ Triều Tiên

Trong kịch bản lạc quan nhất, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể mở cửa nền kinh tế và trở thành một thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế. 

"Triều Tiên có thể tự tạo ra hình mẫu phát triển kinh tế của riêng mình bằng cách kết hợp các yếu tố hình mẫu của cả Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên rất khác so với hai nước trên bởi hệ thống gia đình trị và sự tồn tại của người hàng xóm Hàn Quốc", Yang Moon Soo, chuyên gia nghiên cứu về nền kinh tế Triều Tiên từ Seoul, nhận xét.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể là mảnh đất màu mỡ cho các công ty xây dựng Hàn Quốc khi tuổi thọ trung bình và nhu cầu chất lượng nhà ở của người dân nước này tăng lên, tạo ra sự tăng trưởng lớn về nhu cầu nhà đất. Ước tính, thị trường nhà ở tại Triều Tiên sẽ đạt tăng trưởng tương đương 50,6 tỷ USD trong một thập kỷ tính từ năm 2021. 

Hôm 13/10, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong Yeon đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy Triều Tiên thực hiện cải tổ nền kinh tế.

Trieu Tien mo cua anh 4
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un liên tục thúc đẩy phát triển kinh tế sau khi nắm quyền. Ảnh: KCNA.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Kim Suk Jin từ Viện Thống nhất Hàn Quốc đặt ra lo ngại giới lãnh đạo Triều Tiên có thể không cởi mở nhiều như những gì Seoul kỳ vọng do nguy cơ mất đi quyền lực và ảnh hưởng.

"Một đất nước khép kín chỉ có thể mở cửa khi giới cầm quyền tự tin họ có thể duy trì quyền lực và giữ ổn định chính trị. Triều Tiên hiện nay là một hệ thống khác với các ví dụ trong quá khứ, có thể không duy trì được ảnh hưởng chính trị trong một nền kinh tế mở", Kim nhận xét.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là rất cẩn thận trong việc tiến hành cải tổ nền kinh tế. Ông Kim đang lặng lẽ đặt nền móng chuẩn bị cho dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai, từ Hàn Quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Từ khi nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong Un đã liên tục thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính sách đáng chú ý nhất của ông Kim là phát triển kinh tế tư nhân quy mô nhỏ, cho phép các chợ tư nhân, được gọi với cái tên Jangmadang, lan tỏa ra khắp đất nước.

"Triều Tiên thể chế hóa hoạt động kinh tế thị trường của các công ty nhà nước sau khi ông Kim Jong Un nắm quyền. Chính quyền Triều Tiên đang nỗ lực hiện thực hóa khả năng hình thành của thị trường", Lee Seok Ki, chuyên gia từ Viện Kinh tế công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, nhận xét.

Một hiện tượng mới xuất hiện tại Triều Tiên đó là sự phát triển của tầng lớp thương nhân, gọi là "donju". Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên cho biết donju đóng vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân, họ bán các sản phẩm và ngũ cốc Trung Quốc, cũng như giúp dòng vốn lưu thông bằng cách cho vay tiền.

"Những người chủ doanh nghiệp hiện tại trong thị trường tư nhân có thể sẽ đóng vai trò thành phần tham gia chủ yếu khi Triều Tiên mở rộng các cơ sở sản xuất", chuyên gia kinh tế Oh Suk Tae nhận xét.

Trump: Kim Jong Un thích video cảnh phồn vinh Mỹ chiếu tại hội đàm TT Trump đã mang đoạn video dài 4 phút về tương lai hợp tác và phồn vinh chờ đợi Triều Tiên tới cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Trump cho biết ông Kim rất thích đoạn video này.

Phạt đền hay sút 11 m - hai miền Triều Tiên muốn thống nhất ngôn ngữ

Dù Triều Tiên và Hàn Quốc nói cùng một ngôn ngữ, những từ vựng được sử dụng ở hai miền bán đảo đã trở nên hoàn toàn lạ lẫm với phía còn lại sau gần 70 năm chia cắt.

Quốc khuyển, áo lông quý và món quà hòa bình của Triều Tiên

Đối với Triều Tiên, đôi cảnh khuyển không chỉ là món quà thể hiện mong muốn hòa bình liên Triều mà loài vật này còn là biểu tượng cho địa vị của giới tinh hoa trong xã hội.

Duy Anh

Theo Nikkei Asian Review

Bạn có thể quan tâm