Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phạt đền hay sút 11 m - hai miền Triều Tiên muốn thống nhất ngôn ngữ

Dù Triều Tiên và Hàn Quốc nói cùng một ngôn ngữ, những từ vựng được sử dụng ở hai miền bán đảo đã trở nên hoàn toàn lạ lẫm với phía còn lại sau gần 70 năm chia cắt.

Trong những từ ngữ dành cho tình yêu đôi lứa ở Triều Tiên, một chàng trai sẽ mời cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ “đi dạo”. Ở Hàn Quốc, các cặp đôi yêu nhau sẽ cùng “hẹn hò”.

Buổi tối đó, cặp đôi Triều Tiên sẽ đến một tiệm bán “eskimo”, mà ở Hàn Quốc người ta gọi đó là quán “kem”.

Hàn Quốc và Triều Tiên về lý thuyết sử dụng chung một ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau hơn 70 chia cắt và đối đầu, những từ ngữ được sử dụng ở hai miền trở nên rất khác nhau.

tu dien lien Trieu anh 1
Trong cả 3 kỳ thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trao đổi không cần phiên dịch vì hai miền cơ bản dùng chung ngôn ngữ, khác với các cuộc gặp thượng đỉnh khác. Ảnh: Getty.

Viết từ điển chung, gắn kết hai miền bán đảo

Nỗ lực nối lại quan hệ liên Triều đang được đẩy mạnh sau 3 cuộc thượng đỉnh năm nay giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Giới chức Hàn Quốc vì vậy đang nghiên cứu khởi động lại kế hoạch xây dựng một từ điển chung và gắn kết ngôn ngữ hai miền, theo Yonhap.

“Chúng ta từng là một dân tộc thống nhất khi vua Sejong (Thế Tông) lập ra chữ Hangul”, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon phát biểu ngày 9/10 tại lễ kỷ niệm 572 năm ra đời chữ Hangul.

Triều Tiên dù dùng chung một ngôn ngữ với Hàn Quốc như gọi hệ chữ viết bằng tên gọi khác là Choson’gul và làm lễ kỷ niệm hàng năm vào ngày 15/1.

"Chiến tranh lạnh đã chia cắt dân tộc Triều Tiên và lãnh thổ Triều Tiên thành hai nửa. Gần 70 năm chia cắt đã thay đổi những khái niệm và cách sử dụng ngôn ngữ Triều Tiên ở miền Bắc và miền Nam", ông Lee nhấn mạnh.

Thủ tướng Lee khẳng định các nỗ lực gắn kết ngôn ngữ hai miền bán đảo cần được nối lại để Hàn Quốc và Triều Tiên thu hẹp khoảng cách. “Nếu điều này được thực hiện, dân tộc Triều Tiên sẽ có cơ hội được thống nhất như những năm tháng trị vì của vua Sejong”, ông cho biết.

Chính phủ của cựu tổng thống Roh Moo Hyun từng khởi xướng dự án cùng Triều Tiên xuất bản quyển Đại từ điển Triều Tiên vào năm 2005. Nỗ lực này đã bị gián đoạn qua những thăng trầm của quan hệ liên Triều.

Các cuộc gặp giữa giới học giả hai nước chấm dứt vào năm 2016 sau hàng loạt cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Lần cuối cùng những học giả Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau để trao đổi về Đại từ điển Triều Tiên là vào tháng 12/2015 ở Đại Liên, Trung Quốc.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc thường xuyên phát hành các danh sách từ vựng mới để giúp người dân hiểu thêm về cách nói của của những “đồng bào” phía bắc. Trong khi đó, những người sống gần khu vực phi quân sự (DMZ) vẫn có thể hiểu được phần lớn nội dung đối thoại với nhau mà không cần chỉ dẫn.

tu dien lien Trieu anh 2
Tượng đài vua Sejong tại Quảng trường Gwanghwamun, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Cùng một ngôn ngữ, nói không hiểu nhau

Sau khi bán đảo Triều Tiên chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, vốn từ vựng tại Hàn Quốc bắt đầu dung nạp rất nhiều từ trong tiếng Anh do sự du nhập văn hóa và khoa học kỹ thuật từ Mỹ cùng các nước phương Tây. Điều này càng thêm phổ biến vì quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên muốn giữ gìn một ngôn ngữ sạch yếu tố nước ngoài và chỉ sử dụng những khái niệm trong tiếng bản địa để diễn đạt, theo Guardian.

Đơn cử là trong một trận bóng đá, người Triều Tiên sẽ diễn giải khái niệm đá phạt đền thành “sút 11 m”, trong khi ở Hàn Quốc sẽ bảo đó là “penalty” như trong tiếng Anh. “Nước ngọt” ở Triều Tiên sẽ được gọi bằng tiếng Anh là “juice” ở Hàn Quốc.

Dầu gội đầu ở miền Nam dù được viết bằng tiếng Hangul nhưng vẫn được phát âm theo tiếng Anh là “shampoo”, trong khi ở miền Bắc sẽ được diễn giải thành “xà phòng rửa tóc”.

Sự khác biệt về ngôn ngữ đã trở thành vấn đề lớn tại kỳ Olympic mùa Đông đầu năm nay tại Hàn Quốc.

Hai miền bán đảo Triều Tiên thống nhất thành lập một đội tuyển khúc côn cầu chung. Việc phối hợp trở nên khó khăn hơn khi ở miền Nam chuyền và ghi điểm được sử dụng có âm mượn từ tiếng Anh, trong khi những thành viên miền Bắc chỉ sử dụng các mô tả theo tiếng Triều Tiên.

“Chúng tôi phải họp trước mỗi buổi tập. Chúng tôi cho in một danh sách những thuật ngữ khác nhau giữa hai miền và dán chúng trên tủ thay đồ của tất cả vận động viên”, Kim Jing Min, người phát ngôn Hiệp hội Khúc côn cầu Hàn Quốc, cho biết.

tu dien lien Trieu anh 3
Đội tuyển khúc côn cầu liên Triều chụp ảnh cùng lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tại Olympic mùa Đông hồi tháng 2. Ảnh: USA Today.

Không hiểu “vô gia cư” là gì

Sự bất đồng ngôn ngữ này còn phản ánh khác biệt về tư tưởng, xã hội và hệ thống chính trị giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Đơn cử là từ “dongmu” được người Triều Tiên sử dụng với một ý nghĩ rất nhẹ nhàng là bạn bè, nhưng khi người Hàn Quốc nghe lại hiểu theo nghĩa nặng về chính trị là “đồng chí”.

“Những khái niệm như vô gia cư, tiền thuê theo năm, tiền thuê theo tháng đều không tồn tại trong tâm trí của người Triều Tiên. Đó là vì mọi thứ đều được quản lý bởi nhà nước bao gồm cả việc ăn ở”, Kim Wanseo, một chuyên gia ngôn ngữ tại Hàn Quốc, nói với Reuters.

Kim Young Hee, một người Triều Tiên sống tại Hàn Quốc từ năm 2002, cho biết cô cần học thêm rất nhiều thuật ngữ tài chính không hề được sử dụng ở quê nhà miền Bắc chẳng hạn như chứng khoán, ngân hàng hay cổ phiếu.

“Khi đề cập đến những khái niệm chung, người dân hai miền có thể hiểu được 70% từ ngữ của nhau. Tuy nhiên, nếu đề cập đến các từ mang tính kỹ thuật hoặc đặc trưng vùng miền thì sự khác biệt là vô cùng lớn”, ông Kim Wanseo cho biết.

Phu nhân Hàn - Triều thân thiết khi cùng nghe hòa nhạc Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau thưởng thức buổi biểu diễn âm nhạc tại Học viện Kim Won Gyun và thăm bệnh viện nhi Okryu.

Ông Kim Jong Un cho đôi 'quốc khuyển' đi qua DMZ để tặng TT Hàn Quốc

Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa tháng 9, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đề xuất tặng chó Pungsan, giống chó đặc trưng của Triều Tiên, cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Phu nhân ông Kim Jong Un gây chú ý trong lễ đón tổng thống Hàn Quốc

Bà Ri Sol Ju, vợ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, xuất hiện với nụ cười tươi tắn trong lễ đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và phu nhân Kim Jung Sook.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm