Quan điểm trên được giám đốc cục Bắc Mỹ, bộ Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son Hui đưa ra tại một hội nghị an ninh tại Moscow.
"Chỉ khi Mỹ đưa ra lựa chọn đúng đắn, ví dụ như chấm dứt chính sách thù địch và chấp nhận chung sống với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, khi đó mới có giải pháp cho bế tắc hiện nay", Yonhap hôm 24/10 dẫn lời bà Choe Son Hui.
Giám đốc cục Bắc Mỹ, bộ Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son Hui. Ảnh: Guardian. |
Một trong các động thái thù địch từ phía Mỹ, theo bà Choe, là các dòng chia sẻ mang tính công kích của Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội Twitter. Quan chức ngoại giao Triều Tiên khẳng định đây là một trong các lý do khiến Bình Nhưỡng không thể ngồi vào bàn đàm phán.
Đại diện Triều Tiên cho biết nước này sẽ không quay trở lại đàm phán 6 bên (bao gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên) về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán 6 bên đổ vỡ năm 2008 sau khi Bình Nhưỡng rời khỏi tiến trình này.
Đại diện của Bình Nhưỡng không hoàn toàn bác bỏ vai trò của đàm phán đa phương, tuy nhiên cho rằng thái độ kiên quyết của Mỹ nhằm "ép chết" Triều Tiên khiến các nước khác không có tiếng nói để giải quyết khủng hoảng hiện tại.
Bà Choe khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi đó là công cụ răn đe của Triều Tiên trước đe dọa quân sự từ Mỹ và là "tấm khiên" duy nhất bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng.
Căng thẳng tại Đông Bắc Á xung quanh chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận chung thời gian qua, Triều Tiên nhiều lần đe dọa sẽ tấn công các khí tài quân sự của Mỹ tại khu vực cũng như tấn công Guam bằng tên lửa.
Thống kê các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nguồn: CSIS. |