“Thật là nhảm nhí. Khi việc gì lạ lùng xảy ra là Mỹ và các thế lực hung hăng khác lại bắt đầu chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên”, AFP dẫn lời Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong ngày 20/5. Phó đại sứ Kim cho rằng Washington và Seoul đứng sau những cáo buộc nhằm vào Bình Nhưỡng.
WannaCry bất ngờ lây lan toàn cầu khiến hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng. Ảnh: Techworld. |
Khoảng 300.000 máy tính ở 150 quốc gia bị tấn công bởi phần mềm WannaCry. Nó chiếm quyền kiểm soát máy tính và yêu cầu chủ nhân phải nộp tiền bằng bitcoin mới trả lại quyền này cho người dùng.
Giữa WannaCry và các mã độc trong những vụ tấn công quy mô lớn vừa qua được cho là do Bình Nhưỡng tiến hành có những điểm tương đồng.
Công ty an ninh mạng Hauri của Hàn Quốc từng cảnh báo về một vụ tấn công bằng mã độc đòi tiền chuộc quy mô lớn kể từ năm 2016. Công ty này chuyên nghiên cứu những hoạt động của tin tặc Triều Tiên.
Simon Choi, đại diện của Hauri, nói WannaCry có đoạn mã tương tự như mã độc đã dùng để xâm nhập vào hệ thống của hãng Sony Pictures và các cơ quan ở Bangladesh. Những vụ tấn công này được cho là do Triều Tiên gây ra.
Các nhà nghiên cứu Mỹ, Nga và Israel cũng chỉ ra khả năng Triều Tiên có thể liên quan đến vụ tấn công lần này.
Thế giới có khoảng 300.000 máy bị nhiễm WannaCry, trong đó Việt Nam nằm trong top 20 nước bị tấn công nhiều nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, tổ chức có xu hướng không muốn công bố điều này và thường âm thầm trả tiền chuộc để lấy lại dữ liệu bị mã hóa.