Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết vật thể này “dường như là tên lửa đạn đạo”.
Ngay sau khi nổi lên thông tin này, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “lên án” động thái của Triều Tiên và thúc giục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
“Mỹ lên án việc Triều Tiên phóng thử tên lửa”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
“Vụ phóng là động thái vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gây ra mối đe dọa với các quốc gia láng giềng của Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế”.
“Chúng tôi cam kết duy trì cách tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi quốc gia này ngồi vào bàn đàm phán”, cơ quan này khẳng định.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Japan Times. |
Vụ việc diễn ra ngay trước khi trưởng phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song tuyên bố “không quốc gia nào” có thể phủ nhận quyền tự vệ và thử vũ khí của Triều Tiên.
Trong những ngày gần đây, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng đã phát biểu về triển vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Bà kêu gọi sự “công bằng” và tôn trọng lẫn nhau, cũng như yêu cầu Hàn Quốc “dừng đưa ra những tuyên bố trơ tráo”.
Bà chỉ trích “tiêu chuẩn kép” mà Hàn Quốc và Mỹ áp dụng đối với các bước phát triển về quân sự của Triều Tiên, trong khi Mỹ và Hàn Quốc vẫn có những động thái nhằm nâng cao năng lực của mình.
Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã nhiều lần thử tên lửa trong thời gian qua, bao gồm một vụ thử tên lửa hành trình tầm xa và nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và trở thành một trong số ít quốc gia sở hữu khả năng này.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội năm 2019.
Từ thời điểm đó, quan hệ liên Triều chưa có dấu hiệu cải thiện. Triều Tiên thường xuyên chỉ trích Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae In, cũng như phá hủy văn phòng liên lạc ở biên giới mà Hàn Quốc xây dựng.