NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho hay Triều Tiên vừa bắn một tên lửa đạn đạo từ tỉnh Jangang ở phía bắc vào lúc 23h41 (theo giờ địa phương).
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tên lửa của Bình Nhưỡng bay được khoảng 45 phút trước khi rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, chưa có báo cáo về thiệt hại.
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 4/7. Ảnh: Reuters |
Quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa có thể đã bay được quãng đường hơn 3.000 km.
Reuters dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này đã phát hiện vật thể do Triều Tiên phóng bay được khoảng 1.000 km ở độ cao 3.700 km và xác nhận đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận đây là ICBM.
“Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã phát hiện Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Chúng tôi đang đánh giá tình hình và sẽ sớm có thêm thông tin”, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết.
Thủ tướng Abe đang triệu tập cuộc họp khẩn cấp, trong khi đó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã tổ chức họp báo ngay sau khi nhận được thông tin trên.
Ông Suga nói thêm rằng vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là không thể chấp nhận và rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Phía Nhật Bản cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên phóng thử đêm 28/7 rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đồ họa: CNN. |
Đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 12 của Bình Nhưỡng trong năm nay. Đợt phóng thử gần đây nhất là vào ngày 4/7, Triều Tiên tuyên bố đây là lần đầu tiên nước này phóng thành công tên lửa đạn đạo, được cho là có tầm bắn 6.700 km và có thể vươn tới Mỹ.
Trước đó, nguồn tin tình báo Mỹ ngày 19/7 cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo trong vòng 2 tuần. Theo Yonhap, các vệ tinh của Mỹ phát hiện bức xạ mới cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng thử ICBM hoặc tên lửa tầm trung.
Triều Tiên từ lâu đã nuôi tham vọng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công Mỹ. Đây là loại vũ khí có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Bình Nhưỡng không ngừng phát triển và cải tiến công nghệ tên lửa, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định trong thông điệp đầu năm 2017 rằng quốc gia này đang trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.