Gần hai tháng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, tuần này, đảo quốc Đông Nam Á sẽ chủ trì một loạt hội nghị quan trọng khác mà Bình Nhưỡng sẽ cử ngoại trưởng đến tham dự: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Dù vậy, trọng tâm lần này được cho là sẽ dồn vào một căng thẳng khác: cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Triều Tiên bớt nóng
ARF, diễn ra vào ngày 4/8, là một trong số ít khuôn khổ quốc tế có sự tham gia của Triều Tiên. Quá trình phi hạt nhân hóa của nước này có thể nằm trong chương trình nghị sự ARF, nhưng nếu xét sự phụ thuộc lớn của các nước Đông Nam Á vào thương mại với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là tâm điểm lần này.
Các nước khác tham dự diễn đàn thường niên bao gồm 10 thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Australia, Nga và Liên minh Châu Âu (EU). Nhiều cuộc gặp đa phương và song phương khác sẽ được tổ chức, trong đó có hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 2/8.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp song phương bên lề ARF 2017 tại Manila, Philippines. Ảnh: Reuters. |
Diễn đàn là cơ hội để cập nhật các diễn biến sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6. Tại Singapore, ông Kim Jong Un đã cam kết hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa toàn diện" bán đảo Triều Tiên, trong khi ông Trump cam kết đảm bảo an ninh cho quốc gia Đông Bắc Á.
Sau hội nghị, chính quyền Trump và Triều Tiên đã tiếp tục đàm phán, với chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 7. Diễn biến mới nhất là Washington và Seoul tuần trước xác nhận Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ một địa điểm thử nghiệm động cơ tên lửa tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae.
Tham dự ARF năm nay, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho dự kiến gặp gỡ những người đồng cấp từ Mỹ và các nước khác bên lề hội nghị.
Vì ARF chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính trị và an ninh, mối đe dọa từ Triều Tiên thường là chủ đề ưu tiên. Năm ngoái, tại diễn đàn ở Manila, các bộ trưởng đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên. Tuyên bố của chủ tịch hội nghị 2017 cho biết các bộ trưởng kêu gọi Triều Tiên "lập tức tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an".
Họ cũng "tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP. |
Năm nay, Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với áp lực ít hơn vì quá trình xuống thang căng thẳng vài tháng qua. Các cuộc thảo luận của ARF về vấn đề này dự đoán sẽ ít gay gắt hơn.
Ông Alan Chong, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói ông không nghĩ các bộ trưởng ARF sẽ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về Triều Tiên. Ông cho rằng họ sẽ "nhắc lại một số điểm trong hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim" và "cổ vũ Triều Tiên theo cách rất tích cực".
Quan ngại chủ nghĩa bảo hộ
Chuyên gia Chong cho rằng vấn đề lớn hơn trong năm nay là mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với việc chính quyền Trump nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ, phần còn lại của thế giới đang tăng cường thúc đẩy thương mại tự do. Hồi tháng 3, 11 quốc gia đã cùng ký vào khuôn khổ thương mại tự do mang tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11. Đến nay, Mexico, Nhật Bản và Singapore đã phê chuẩn thỏa thuận này. Nhật Bản và EU đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế riêng hồi tháng 7.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến là tâm điểm chú ý tại ARF 2018. Ảnh: AP. |
"ARF sẽ là cơ hội thuận lợi để duy trì động lực biến thương mại tự do thành thực tế", ông Chong nói.
Ông cũng cho rằng các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN có thể sẽ bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ trong tuyên bố họ đưa ra sau hội nghị ngày 2/8, mà không chỉ đích danh Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Biển Đông, một vấn đề an ninh lớn khác, ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán bộ quy tắc ứng xử trong nỗ lực tránh xung đột. Các bộ trưởng của khối và Trung Quốc dự kiến thảo luận về những tiến triển của việc này trong một cuộc họp khác vào ngày 2/8.