“Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới Hwasongpho-17 của lực lượng chiến lược CHDCND Triều Tiên được tiến hành vào ngày 24/3... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Kim Jong Un”, KCNA cho biết.
Hwasong-17 là ICBM lớn của Triều Tiên lần đầu tiên được trình làng vào tháng 10/2020 và được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật". Loại tên lửa này chưa từng được thử nghiệm thành công trước đây.
"Tên lửa - được phóng tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng - bay tới độ cao tối đa 6.248,5 km và quãng đường 1.090 km trong 4.052 giây trước khi đánh chính xác vào khu vực định sẵn trên vùng biển mở" ở Biển Nhật Bản, KCNA đưa tin.
Quân đội Hàn Quốc ước tính tầm bắn của vụ phóng tên lửa hôm 24/3 là 6.200 km - xa hơn nhiều so với ICBM gần nhất mà Triều Tiên thử nghiệm vào tháng 10/2017.
Đây có thể là vụ thử ICBM lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA. |
Ông Kim cho biết vũ khí mới sẽ "thực hiện sứ mệnh làm biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ", theo KCNA. Ông "khẳng định sự xuất hiện của vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên sẽ khiến cả thế giới nhận thức rõ ràng về sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta một lần nữa", KCNA đưa tin.
Bình Nhưỡng đã tiến hành hơn 10 vụ thử vũ khí trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Trước đó, Triều Tiên đã trang bị vũ khí hạt nhân từ lâu và mong muốn sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể mang nhiều đầu đạn.
Mỹ và Hàn Quốc cũng từng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sắp thử tên lửa Hwasong-17, vũ khí được công bố lần đầu trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên hồi tháng 10/2020.
Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình vũ khí, Bình Nhưỡng đã tăng gấp đôi nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Tuần trước, nước này cũng đã bắn thử một thiết bị được các nhà phân tích cho là tên lửa Hwasong-17. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa này đã thất bại và tên lửa phát nổ giữa không trung.
“Bình Nhưỡng đã cố gắng bắn một tên lửa ICBM vào tuần trước, nhưng không thành công. Vì vậy, vụ thử tên lửa hôm nay được thực hiện để bù đắp cho thất bại đó. Quốc gia này cũng cần hoàn thiện công nghệ ICBM ngay lập tức", ông Go Myong Hyun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói với AFP.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đang sử dụng việc phát triển vệ tinh nhân tạo như một lá chắn cho việc phát triển tên lửa ICBM, vì có nhiều điểm tương đồng trong công nghệ.
Triều Tiên sẽ đánh dấu kỷ niệm 110 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành vào ngày 15/4. Các nhà phân tích dự đoán Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa ICBM hoặc vệ tinh như một phần của lễ kỷ niệm.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảm thấy điều quan trọng là phải chứng minh năng lực lãnh đạo của mình trước lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành”, ông Cheong Seong Chang, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bước đi phía trước một hệ thống tên lửa trong bức ảnh công bố ngày 24/3. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên đã thực hiện ba vụ thử ICBM, lần gần nhất là vào tháng 11/2017, với một tên lửa Hwasong-15, được cho là đủ mạnh để vươn tới địa phận Mỹ.
“Ông Kim Jong Un muốn trở thành nhà lãnh đạo đã phát triển thành công cả vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ICBM”, Ahn Chan Il, một học giả nghiên cứu về Triều Tiên, nói với AFP.
Triều Tiên cũng đang tận dụng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, sau cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.
"Ông Kim có lẽ cảm thấy đây là thời điểm hoàn hảo để phát triển ICBM, và để liên tục nhắc nhở thế giới rằng Triều Tiên, không giống như Ukraine, là một quốc gia có vũ khí hạt nhân", vị chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang trải qua quá trình chuyển giao quyền lực sau kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 3.
“Mọi thứ đang rất lộn xộn, rất có thể chính quyền sắp tới chưa có sự chuẩn bị”, Hong Min, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận định.