Triều Tiên không dùng công dân Mỹ làm quân bài chính trị
Triều Tiên cho biết sẽ không mời bất kỳ nhân vật cấp cao nào của Mỹ tới Bình Nhưỡng để thương lượng về việc thả công dân Mỹ, vì anh ta không phải là "một quân bài mặc cả chính trị" trong các cuộc đàm phán với Washington.
Triều Tiên khẳng định không dùng Kenneth Bae để đổi lấy một cuộc thương lượng với nhân vật cấp cao của Mỹ. |
"CHDCND Triều Tiên không có ý định mời bất kỳ đại diện nào của Mỹ can thiệp vào vấn đề này," một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên phát biểu trên Hãng thông tấn Trung ương KCNA.
Trước đó, Triều Tiên thông báo Tòa án tối cao đã tuyên án 15 năm lao động khổ sai đối với công dân Mỹ Kenneth Bae hay còn gọi là Bae Joon-ho vì "thực hiện những hành động thù địch" chống lại Triều Tiên.
"Một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng Triều Tiên đã cố gắng sử dụng vụ việc này như một quân bài mặc cả chính trị. Đây là một sự phỏng đoán sai và lố bịch," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Bae, một công dân Mỹ sống tại Trung Quốc, đã bị bắt giữ tại Triều Tiên vào tháng 11 năm ngoái sau khi cùng một nhóm du khách nhập cảnh vào Triều Tiên. Một số báo cáo cho biết ông làm việc như một nhà điều hành du lịch, trong khi một số khác nói rằng ông làm hoạt động như một nhà truyền giáo.
Chính phủ Mỹ đã cố gắng để giải cứu Bae và yêu cầu Bình Nhưỡng cấp ân xá cho ông.
Một vài công dân Mỹ đã bị bắt giữ tại Triều Tiên với các cáo buộc tương tự trong quá khứ, tuy nhiên tất cả đã được tự do.
Năm 2009, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bay tới Bình Nhưỡng để đưa hai nữ phóng viên Mỹ Laura Ling và Euna Lee về nước.
Một năm sau đó, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đàm phán để phía Triều Tiên thả một công dân Mỹ có tên Aijalon Mahli Gomes, người bị kết án 8 năm lao động khổi sai do vượt biên giới trái phép từ Trung Quốc vào Triều Tiên.
Gần đây, các phương tiện truyền thông cho rằng cựu Tổng thống Jimmy Carter có thể sẽ can thiệp vụ của Kenneth Bae. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông khẳng định cựu Tổng thống không có kế hoạch tới thăm Triều Tiên.
Theo Vietnamnet