Triều Tiên kết án công dân Mỹ
Triều Tiên thông báo, công dân Mỹ bị nước này giam giữ trong gần 6 tháng qua đã bị kết án 15 năm “lao động bắt buộc” vì tội chống lại nhà nước Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, việc Triều Tiên kết án Kenneth Bae, người được cho là theo đạo Thiên Chúa và là một điều hành viên du lịch, sẽ làm mối quan hệ Bình Nhưỡng - Washington vốn đã căng thẳng sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Tòa án tối cao Triều Tiên tại Thủ đô Bình Nhưỡng. |
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, vụ xét xử Bae diễn ra hôm 30/4 nhưng không nói thêm chi tiết. Phiên tòa xét xử ông Bae diễn ra tại Tòa án tối cao và ông này bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền và mức án cao nhất dành cho tội danh này là tử hình.
Hiện bản chất tội danh của ông Bae chưa được tiết lộ.
Triều Tiên cho biết, ông Bae bị bắt giữ vào hồi đầu tháng 11 tại Rason, khu kinh tế đặc biệt nằm ở biên giới phía đông bắc Triều Tiên, giáp Trung Quốc và Nga.
Năm 2009 cũng có một vụ án tương tự vụ xét xử ông Bae. Năm đó, Triền Tiên và Mỹ “gầm gừ” nhau sau khi Bình Nhưỡng quyết định phóng thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân dưới mặt đất. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng đã bắt giữ 2 nhà báo Mỹ và tuyên án họ 12 năm lao động khổ sai. Tuy nhiên, sau đó hai nhà báo này đã được thả tự do.
Trong thông báo của mình, Triều Tiên gọi ông Bae, người Mỹ gốc Hàn hiện đang sinh sống tại Washington là Pae Jun Ho, tên ông này theo cách đọc của người Triều Tiên.
Theo Giáo sư Park Joon Young của Đại học nữ giới Ewha, “Triều Tiên muốn có cớ để đàm phán với Mỹ” và bản án này “sẽ được sử dụng để thương lượng với Mỹ; đổi lại Triều Tiên sẽ thả tự do cho ông Bae”.
Trước khi Triều Tiên đưa ra thông báo nói trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, bộ này đã biết rằng một công dân Mỹ sẽ bị Bình Nhưỡng kết án.
Triều Tiên cho tái khởi động lò phản ứng hạt nhân
Giới nghiên cứu Mỹ cho rằng Triều Tiên sẽ sẵn sàng tái khởi động một lò phản ứng nước nhẹ trong vài tuần tới, khiến mối lo ngại về việc hiện thực hóa lời thề tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân của quốc gia cô lập ngày càng hiện hữu.
Sau khi phân tích các bức ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 3 và 4, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng Triều Tiên đang hoàn thiện nốt phần công việc bên trong lò phản ứng, cũng như bắt đầu công tác dọn dẹp sau khi hoàn tất quá trình xây dựng.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã cho làm giàu uranium tại một cơ sở gần kề kể từ năm 2010, do đó, nước này có đủ lượng nhiên liệu cần thiết để vận hành lò phản ứng nước nhẹ trong vài năm.
"Các hoạt động khởi động lò phản ứng sẽ diễn ra trong vài tuần tới", nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis và Nick Hansen viết trên blog của Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều Tiên, đăng trên trang mạng 38 North.
Trước đây, Triều Tiên từng khẳng định cần khoảng thời gian từ 9 tháng tới một năm để đưa nhà máy hoạt động đầy đủ công suất. Lò phản ứng nước nhẹ được xem là nguồn cung cấp năng lượng cho các quốc gia nghèo như Triều Tiên. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu plutonium dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng hết sức lo ngại về mức độ an toàn, cũng như tính chuyên môn trong điều hành nhà máy hạt nhân của Triều Tiên.
"Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã chứng minh rằng một nhà máy được thiết kế, xây dựng và chạy thử nghiệm phải có khả năng xử lý các sự cố bất thường như thảm họa thiên nhiên. Hiện chưa rõ lò phản ứng của Triều Tiên có thể xử lý những tình huống bất ngờ", 2 nhà nghiên cứu Lewis và Hansen nhận định.
Trong khi đó, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ cho khởi động lò phản ứng nước nhẹ sớm hơn so với những dự báo trước đây. Các chuyên gia Mỹ đưa ra cảnh báo trên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thề tiến hành các cuộc tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân nhằm thách thức Washington và Hàn Quốc.
Hồi tháng 2, Triều Tiên cũng đã thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3. Bình Nhưỡng lần đầu tiên tiết lộ hoạt động tại lò phản ứng nước nhẹ khi các nhà khoa học Mỹ tới thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon vào năm 2010.
Theo Infonet