Trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA phát đi ngày 24/12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Mỹ bị năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng đe dọa và ngày càng "hành động điên cuồng hơn nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt và áp lực khắc nghiệt nhất" lên nước này.
"Chúng tôi coi 'nghị quyết trừng phạt' được Mỹ và những người ủng hộ thúc đẩy là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và là một hành động chiến tranh vi phạm hoà bình, ổn định ở Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực", tuyên bố cho biết.
Tên lửa được Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng 11 dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP. |
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết vũ khí hạt nhân của họ là lá chắn tự vệ và không mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Triều Tiên cũng cảnh báo các nước bỏ phiếu cho lệnh trừng phạt sẽ đối mặt với sự phẫn nộ của Bình Nhưỡng.
"Các quốc gia đã biểu quyết ủng hộ 'nghị quyết trừng phạt' này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hậu quả được gây ra bởi 'nghị quyết' và chúng tôi đảm bảo rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho những gì họ đã làm", Reuters trích dẫn tuyên bố.
Hôm 22/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên do cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tháng trước nhằm hạn chế việc tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, dầu thô và nguồn thu từ lao động nước ngoài của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc sẽ ngăn chặn gần 90% xuất khẩu xăng dầu tinh chế sang Triều Tiên bằng cách hạn chế số lượng xuất khẩu còn 500.000 thùng mỗi năm, đồng thời yêu cầu hồi hương lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong 24 tháng.
Các đồng minh lâu năm của Triều Tiên là Trung Quốc và Nga cũng ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất này.
Tầm bắn ước tính của tên lửa Triều Tiên hôm 29/11 có thể vươn tới Washington DC. Đồ họa: Union of Concerned Scientists. |