Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “gã tên lửa”, “người điên”. Phát biểu tại Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump còn đe dọa “hủy diệt toàn bộ Triều Tiên”.
Doug Bandow, thành viên cao cấp Viện Cato và từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, cho rằng những biệt danh mà Tổng thống Trump gọi ông Kim mang tính thù địch và đe dọa nhưng vô tình lại trở thành sự ca ngợi đối với lãnh đạo một quốc gia nhỏ và bị cô lập, tạp chí National Interest cho biết.
Truyền thông Triều Tiên hưởng lợi
Ông Bandow nhận định những đe dọa của Tổng thống Trump có 2 điều phản tác dụng. Thứ nhất, nó vô tình biện minh cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mối quan tâm lớn nhất của Triều Tiên là duy trì kiểm soát chế độ, bảo vệ đất nước chống lại áp lực từ phía Mỹ. Do đó, vũ khí hạt nhân là phương tiện tốt nhất để không lặp lại các kịch bản đã xảy ra với Saddam Hussein và Muammar el-Qaddafi, các cựu lãnh đạo Iraq và Libya có tư tưởng chống Washington.
Tổng thống Trump đe dọa hủy diệt toàn bộ Triều Tiên trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP. |
Mục tiêu hàng đầu của Bình Nhưỡng là tạo ra sự đáp trả hạt nhân để ngăn chặn các biện pháp quân sự của Mỹ và đồng minh đối với Triều Tiên.
Thứ hai tuyên bố của Tổng thống Trump trở thành công cụ cho bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Người dân Triều Tiên thường xuyên nhận được những bài thuyết giảng về “mối đe dọa từ Mỹ” nhưng vẫn khá mơ hồ và thiếu bằng chứng thực tế.
Những phát ngôn đe dọa từ chính miệng tổng thống Mỹ là bằng chứng không thể tốt hơn. Bài phát biểu đe dọa hủy diệt Triều Tiên của Tổng thống Trump tại Liên Hợp Quốc có thể được sử dụng trong các video tuyên truyền chống Mỹ thường xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên.
Bandow cho biết thêm rằng những phát ngôn của Tổng thống Trump dường như phơi bày sự không thống nhất trong suy nghĩ và hành động của ông, cũng như khả năng hợp tác với các cố vấn trong những bài phát biểu quan trọng.
Tổng thống Trump dường như biết rất ít về sự phức tạp trong cuộc xung đột ở bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, ông tưởng tượng những gì ông nói là những điều cần làm, ngược lại với cựu tổng thống Barack Obama, người luôn thận trọng với các phát biểu về Triều Tiên.
Ông Trump có thể hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ cẩn trọng hơn trước áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, Washington càng đe dọa, Bình Nhưỡng càng có lý do để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công Mỹ. Ông Kim muốn dùng ICBM để ngăn chặn hành động quân sự của Mỹ.
Bình Nhưỡng sẽ không liều lĩnh để khởi động một cuộc tấn công vào Mỹ nhưng chừng nào Washington còn duy trì các tuyên bố hiếu chiến, Triều Tiên sẽ có lý do để duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bớt tuyên bố suông và hành động thực tế
Cựu trợ lý của Tổng thống Reagan cho rằng nếu Tổng thống Trump muốn ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông phải từ bỏ những phát ngôn hiếu chiến và sử dụng những tuyên bố phù hợp với sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ.
Thay vì đưa ra những đe dọa quân sự nhưng trống rỗng, Tổng thống Trump cần đưa ra những tuyên bố nghiêm túc nhưng kiềm chế về hành động. Nếu tình huống không thực quan trọng, Washington cần cân nhắc các bước tiến hành để chứng minh rằng Mỹ không có ý định xóa sổ một quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Mỹ cần nới lỏng, hoặc từ bỏ những gì mà Triều Tiên gọi là “chính sách thù địch”. Đó là những cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc. Tổ chức đàm phán hiệp định hòa bình và khởi động các liên hệ cấp chính phủ.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận thường niên mà Triều Tiên luôn coi là mối đe dọa. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, các bên liên quan cần thiết lập một kênh truyền thông chính thức. Ông Bandow nhấn mạnh Mỹ nên di chuyển quân sự ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc từ lâu đã có khả năng mở rộng quân đội và tự bảo vệ. Một bước đi như vậy sẽ làm giảm đáng kể mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Washington cũng cần tìm kiếm giải pháp rõ ràng cho sự lựa chọn giữa Triều Tiên có năng lực hạt nhân, hoặc chiến tranh lần 2 với Bình Nhưỡng. Một tùy chọn có thể khả thi là phát triển khả năng đáp trả hạt nhân cho Hàn Quốc. Điều đó cho phép Washington dỡ bỏ “chiếc ô hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên và để lại mối đe dọa hạt nhân cho nước khác.
Một Hàn Quốc, thậm chí Nhật Bản có năng lực hạt nhân sẽ thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh, Trung Quốc có thể tìm ra giải pháp “thuyết phục” hơn trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cuối cùng, nếu các chiến lược trên đều thất bại, Washington nên miễn cưỡng chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, giống như chính quyền Tổng thống George H. W. Bush đã làm với Ấn Độ. Sau đó, Washington cần tiến hành đàm phán với Bình Nhưỡng để giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Bandow kết luận rằng công nhận một Triều Tiên có ít đầu đạn hạt nhân có lẽ vẫn tốt hơn so với việc không công nhận và để nước này phát triển thêm hàng trăm đầu đạn trong thời gian tới.