Triều Tiên ngày 3/10 chỉ trích việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp khẩn cấp về các cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của nước này, đồng thời cáo buộc các quốc gia thành viên đang đùa với một “quả bom hẹn giờ”, theo AFP.
“Yêu cầu chúng tôi từ bỏ quyền tự vệ có nghĩa là thể hiện ý định không thừa nhận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền” - Jo Chol Su - lãnh đạo Vụ Các tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên - cho biết trong tuyên bố được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải.
“Tôi bày tỏ những quan ngại mạnh mẽ về việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đùa với ‘quả bom hẹn giờ’ nguy hiểm lần này”, ông Jo Chol Su nhấn mạnh về cuộc họp của UNSC.
Triều Tiên ngày 30/9 đã bắn thử một tên lửa phòng không "mới được phát triển". Ảnh: AFP. |
Hôm 1/10, Bình Nhưỡng công bố vừa phóng thành công tên lửa phòng không trong đợt thử nghiệm mới nhất vào ngày 30/9.
Vào đầu tháng 9, nước này đã tuyên bố thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa và vào tuần trước cũng thử nghiệm thành công loại vũ khí được mô tả là phương tiện bay siêu thanh.
Những cuộc thử nghiệm liên tiếp này đã khiến các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp về Triều Tiên hôm 1/10, do Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi.
Cuộc họp ban đầu dự kiến diễn ra hôm 30/9 nhưng đã bị trì hoãn. Nó chỉ kéo dài hơn một giờ và kết thúc mà không có tuyên bố chung.
Tuy nhiên, sự việc vẫn khiến Bình Nhưỡng nổi giận, gọi đây là hành động "xâm phạm vô nghĩa" đối với chủ quyền của nước này và là "hành động khiêu khích nghiêm trọng không thể dung thứ".
Triều Tiên từng không ít lần sử dụng các cuộc thử nghiệm vũ khí để tìm cách đạt được các mục tiêu của mình.
Hôm 29/9, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ trích việc Washington liên tục đề nghị đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết là một "thủ đoạn". Ông cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục "chính sách thù địch" của những người tiền nhiệm.
Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng gặp các đại diện của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố sẽ tìm cách đạt được phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.