“Miền bắc và miền nam nên cụ thể các đề xuất thống nhất bằng con đường liên bang, nỗ lực thực hiện thúc đẩy sự thịnh vượng chung, cùng tồn tại và các lợi ích chung”, tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng đăng trên hãng tin trung ương KCNA ngày 7/7.
Chính quyền Bình Nhưỡng kêu gọi Hàn Quốc “cùng chung tay” giải quyết bất đồng và đeo đuổi “vấn đề thống nhất phù hợp với khao khát và nguyện vọng của nhân dân”.
Triều Tiên thúc giục Hàn Quốc chú trọng vào tuyên bố chung ngày 15/6/2000 kí kết giữa lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung. “Trong Tuyên bố 15/6, hai miền nhận thừa nhận rằng giữa đề xuất thành lập liên bang do miền nam và miền bắc xây dựng có những điểm tương đồng, hai bên đồng thuận phối hợp tiến tới thống nhất theo hướng đi này trong tương lai”.
Chủ tịch Kim Jong Il dự một buổi khánh thành tượng đài hai cố chủ tịch Kim Il Sung và Kim Jong Il. Ảnh: RT |
Để bắt đầu tiến trình này, Triều Tiên đề xuất “tạo không khí thuận lợi cho hòa giải và thống nhất”, chấm dứt “vu khống và chỉ trích” vốn hình thành từ sự thiếu hiểu biết và thiếu lòng tin giữa người dân hai miền. Bình Nhưỡng cũng cho rằng những rào cản pháp lý và thể chế ngăn cách các gia đình hai nước đoàn tụ cần phải dỡ bỏ, “dọn đường cho cơ chế liên lạc, viếng thăm, hợp tác và đối thoại”.
Triều Tiên cũng nhấn mạnh cả hai nhà nước cần “chấm dứt những hành động khiêu khích và gây hấn bất cẩn” vì mục đích hòa giải. “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất nghiêm trọng, khi sự đối đầu và thù địch đã đạt mức đỉnh điểm, chỉ một hành động nhỏ cũng có thể dẫn đến xung đột và sự tàn phá nguy hiểm”.
Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, Triều Tiên liên tục phóng thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn. Ảnh: EPA |
Mặt khác, Triều Tiên thúc giục các nước láng giềng chấm dứt “những cuộc tập trận nhằm vào miền bắc”, yêu cầu “những người bên ngoài” không can thiệp giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên. “Miền bắc và miền nam nên cùng tự lực giải quyết mọi vấn đề vì lợi ích chung… Miền bắc và miền nam không bao giờ trở thành nạn nhân của những người ngoài cuộc mong muốn trục lợi từ sự chia rẽ của hai miền”.
Hàn Quốc chưa đưa ra phản hồi về đề nghị mới nhất này của Triều Tiên. Đầu tháng 6, Bình Nhưỡng cũng đề nghị hòa giải với Seoul, nhưng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phủ nhận đề xuất này vì lí do “thiếu sự chân thành”.