Stefan Thomas sở hữu ví chứa 7.002 BTC nhưng lại không nhớ mật khẩu. Ảnh: Inside Edition. |
Năm 2011, lập trình viên người Đức sống tại San Francisco (Mỹ) đã mua 7.002 BTC với giá 5 USD/đồng chỉ để quay một video giải thích cách thức thị trường tiền số vận hành. Sau đó, ông đã lưu trữ số tiền này vào ví điện tử và lưu các mã khóa cá nhân của ví vào một ổ cứng (IronKey). Số Bitcoin này, tính đến sáng 9/3, trị giá khoảng 153 triệu USD.
Vấn đề là Thomas đã đánh mất tờ giấy ghi mật khẩu IronKey từ nhiều năm trước. Trong khi đó, ổ cứng IronKey chỉ cho phép Thomas nhập mật khẩu tối đa 10 lần. Thomas đã nhập sai mật khẩu 8 lần. Nếu tiếp tục nhập sai ở 2 lần thử cuối cùng, anh sẽ mất toàn bộ Bitcoin trong ví.
“Tôi cứ nằm trên giường và nghĩ mãi về nó. Mỗi lần ngồi trước máy tính để tìm ra cách mở mới, tôi lại thất bại và quay lại vòng lặp tuyệt vọng”, Thomas trả lời trong bài phỏng vấn với New York Times.
Chia sẻ với KGO-TV, lập trình viên cho biết đã 9 năm từ khi biết mình không thể mở được tài khoản, thời gian đủ lâu để anh suy ngẫm. “Tôi tuyệt vọng trong vài tuần”, Thomas nhớ lại cảm giác khi biết sẽ không thể tìm được mật khẩu vào năm 2012. “Bạn sẽ tự hỏi về giá trị bản thân. Ai lại để mất thứ quan trọng như vậy chứ?”.
Sau khi câu chuyện của Thomas trở nên nổi tiếng, hàng trăm người từ khắp nơi đã liên lạc để cho anh lời khuyên. “Một người bảo tôi đã thử nhập ‘password’ (mật khẩu) chưa. Nhiều người giới thiệu tôi gặp nhà ngoại cảm, nhà tiên tri. Một số khác khuyên tôi dùng nootropic (thuốc tăng cường trí nhớ)”, lập trình viên người Đức kể lại.
Stefan Thomas đành ngậm ngùi làm “triệu phú hụt” vì tự mình làm mất ví chứa Bitcoin trị giá 232 triệu USD. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, Thomas khẳng định chỉ kể lại câu chuyện để nhắc nhở người mua Bitcoin không mắc sai lầm tương tự. Thomas khuyên mọi người phải đặc biệt cẩn trọng với mật khẩu truy cập ví tiền số.
Song, Vanguard-X cho rằng Thomas vẫn có thể lấy lại số Bitcoin trong ví ảo bằng cách thuê các chuyên gia tìm lỗ hổng trong ổ cứng IronKeys, giúp ông lách luật và truy cập vào ổ cứng. Tuy nhiên, IronKey khẳng định hack hệ thống của họ là một việc bất khả thi. Hãng phần cứng cũng không muốn tiết lộ công nghệ nền tảng của mình, ngay cả khi được tặng tiền hay hưởng hoa hồng từ số Bitcoin trong ví.
Stefan Thomas không phải trường hợp hiếm gặp trong số những “triệu phú hụt” vì tự mình làm mất ví chứa Bitcoin. Theo hãng nghiên cứu Chainalysis, khoảng 20% trong số 18,5 triệu đồng Bitcoin lưu hành đã bị mắc kẹt trong các ví trong các ví bị khóa hoặc quên mật khẩu, tương đương 124 tỷ USD. Wallet Recovery Services, công ty chuyên tìm mật khẩu ví tiền mã hóa đã nhận 70 yêu cầu trợ giúp mỗi ngày, gấp 3 lần so với tháng trước.
Năm 2013, James Howells, nhân viên IT tại Anh đã vứt nhầm ổ cứng chứa khoảng 7.500 BTC. Cụ thể, hồi năm 2013, Howells vô tình quẳng chiếc ổ cứng có chứa 7.500 BTC trong khi dọn nhà. Số Bitcoin này có được từ thời Howells dùng CPU máy tính để đào.
Tính đến tháng 11/2013, trị giá của số Bitcoin đã ở mức 6,5 triệu USD. Từ đó đến nay, anh luôn tìm mọi cách để tìm chiếc ổ cứng trở lại. Howells cho biết sẵn sàng tặng thành phố Newport (Xứ Wales) 72 triệu USD nếu để cho anh xới bãi rác thành phố và tìm được chiếc ổ cứng bạc tỷ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Howells nhanh chóng vấp phải sự phản đối kịch liệt của chính quyền thành phố Newport do lo ngại về vấn đề môi trường. Dù Howells đề nghị tặng cho thành phố số Bitcoin khổng lồ, chính quyền vẫn giữ lệnh cấm anh tìm lại ổ cứng.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.