Sinh ra trong già đình nghèo, chỉ được học đến lớp 4, nhưng đam mê kinh doanh đã có từ sớm trong con người bà Lê Thị Lượng. Thời kỳ ấy, gia đình khó khăn, là chị cả của 8 đứa em, nên mới 12 tuổi bà đã phải quán xuyến công việc từ kiếm tiền cho đến chuyện bếp núc trong gia đình. Công việc đầu tiên mà bà chọn là bán bắp nướng, rồi chuối nướng ngoài chợ Pakse, tỉnh Champasack, Lào.
“Thượng vàng hạ cám cái gì tôi cũng làm. Tôi luôn có suy nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được. Nên mỗi lần ra chợ bán bắp nướng tôi luôn quan sát xem những mặt hàng nào hút khách là tôi mày mò và tìm cách chế biến thật ngon để phục vụ người tiêu dùng ở chợ. Đến năm 15 tuổi, tôi chuyển sang bán chè rồi bán kem”, bà Lượng kể.
Khi có gia đình riêng, bà nghĩ sẽ an phận, nhưng khao khát kinh doanh luôn trỗi dậy. Thấy được nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng của người dân, bà quyết định mở một quầy tạp hoá. Khi Nhà nước Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bà lập ngay công ty xuất nhập khẩu và xin mở các cửa hàng miễn thuế. Đến nay, bà sở hữu 4 cửa hàng miễn thuế tại Lào, và chính những cửa hàng này giúp bà có khối tài sản rất lớn để đầu tư vào cà phê.
Nữ doanh nhân Lê Thị Lượng, sinh năm 1949 là người Lào gốc Việt. |
Năm 1997, Nhà nước Lào khuyến khích người dân chú trọng phát triển trồng cà phê xuất khẩu, gia đình bà Lượng cũng được chia 300 ha đất. Sau khi được cho đi học kinh nghiệm ở tỉnh Gia Lai (Việt Nam), đến năm 2000 bà bắt đầu tiếp cận trực tiếp với việc trồng cà phê.
Với số vốn 3 triệu USD, bà nhân giống cà phê trên 100 ha đất. Nhưng chỉ sau một năm, cà phê bị sương muối cháy khô, toàn bộ chi phí bỏ ra coi như mất trắng. Nhưngluôn suy nghĩ “thua keo này ta bày keo khác”, nên bà không ngại làm lại từ đầu. Từ đó bà Lượng rút ra được kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cây cà phê và phát hiện ra rằng thời tiết, cũng như chất đất của Lào phù hợp để trồng cà phê Arabica. Đến nay, bà mở rộng diện tích vườn lên 250 ha và xây dựng nhà máy sản xuất cà phê khép kín 200 triệu USD với trên 200 công nhân.
Việc cho ra thành phẩm vẫn đầy rẫy khó khăn. “Ban đầu vì cả tin nên khi mua máy sản xuất, bao bì đóng gói tôi đều bị lừa. Cũng do thiếu kỹ thuật giỏi nên việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng đóng gói chưa tốt, khiến sản phẩm bị cứng. Nhưng những lần thất bại trên vẫn không làm tôi nản lòng, tôi nghĩ còn tiền là còn làm, hết tiền tôi mới buông”, bà bộc bạch.
Cuối cùng sau bao khó khăn, việc đưa thương hiệu cà phê của bà cũng đến được với người tiêu dùng không chỉ ở Lào mà còn xuất khẩu được sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Singapore… Mới đây, bà Lượng vừa ký kết hợp đồng khoảng 6 triệu USD với một đối tác phân phối tại Việt Nam. Cuối tháng 3, sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Dao Coffee” sẽ xâm nhập toàn bộ các hệ thống siêu thị và 80.000 đại lý tại 64 tỉnh thành ở Việt Nam.
Hiện doanh thu một tháng tại công ty bà khoảng 2 triệu USD. Năm 2013, sản lượng cà phê nhân bà thu hoạch ở vườn nhà và từ nông dân đạt 10.000 tấn. 50% bà dùng để xuất khẩu sang Nhật, 50% còn lại để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu "Dao Coffee".
Chia sẻ về bí quyết chiếm lĩnh 90% thị phần cà phê ở Lào, bà Lượng cho hay, yếu tố đầu tiên là biết tạo ra nguồn cung.
“Ngoài việc tự trồng, tôi còn vận động người dân tham gia bằng cách hỗ trợ họ giống, kỹ thuật trồng, phân bón, đồng thời cung ứng gạo để nông dân không đói. Đến khi thu hoạch, họ sẽ đem cà phê đến giao, nếu thừa tôi trả thêm tiền cho họ, thiếu tôi cho họ vay”, bà Hương chia sẻ.
Nhờ thế, tới nay bà đã vận động được hơn 68 bản làng (hơn 2.000 hộ gia đình) cung cấp cà phê. Để có cà phê ngon chất lượng, bà quy định người dân phải thu hoạch đúng thời điểm, trái cà phê phải chín mọng. Nếu cà phê còn xanh bà sẽ ngưng mua và trả lại. Một yếu tố khác khiến người dân tin tưởng và hài lòng, là giá thu mua cà phê tươi của của bà luôn cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp khác.
Về sản xuất cũng vậy, bà Lượng không đầu tư công nghệ sấy cà phê, mà chọn cách đầu tư 30 ha đất để xây sân phơi. Việc này giúp bà không phải trả chi phí điện nước, máy móc, mà dùng khoản tiết kiệm đó tăng lương cho nhân viên, lo chỗ ăn chỗ ở cho họ. Ngoài ra, theo bà, cà phê được phơi khô tự nhiên mùi vị sẽ thơm ngon hơn cà phê sấy. “Thậm chí cách xa cả km bạn vẫn ngửi thấy mùi thơm nồng nàn của cà phê”, bà nói.
Bà Lượng cũng bộc bạch, vì là người cầu toàn nên bà luôn tự nêm nếm mùi vị. Trong quá trình chế biến, bà tình cờ phát hiện ra có rất nhiều giống cà phê đặc biệt, nếu biết cách pha trộn sẽ có những sản phẩm riêng biệt. Sau khi nghiên cứu và cho ra mùi vị riêng, bà bắt đầu viết ra công thức chung để chế biến hàng loạt.