Được tác giả viết năm 1970 - là thời kỳ hậu Darwin của thuyết tiến hóa, Ngẫu nhiên và Tất yếu là tác phẩm chứa nhiều khái niệm chuyên môn về sinh học. Tuy nhiên, đây lại là cuốn sách đáng để nghiền ngẫm về thế giới qua góc nhìn khoa học.
Nhà văn Chu Hảo và dịch giả Hà Dương Tuấn trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội. |
Qua từng trang sách, tác giả đưa độc giả hiểu sâu thêm về các đặc tính phổ quát của thế giới sinh vật như tính “hướng đích” (là hoạt động có tính định hướng, có cơ cấu chặt chẽ mang tính xây dựng), tính sinh sản bất biến (mỗi loài sinh vật chỉ có thể di truyền cho con cháu gen của loài mình) cho đến việc phê phán thuyết "hữu linh" (thuyết cho rằng vạn vật đều có linh hồn).
Thế giới phân tử dần dần hiện rõ trước mắt người đọc qua từng chương sách, để rồi độc giả sẽ song hành cùng tác giả rút ra rằng thế giới đang ngày càng vận động và phát triển theo tính "hướng đích". Đó là sự tiến hóa cao cấp lên một tầng cao mới để tiến tới cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Trong buổi thảo luận nhân dịp ra mắt ấn bản tiếng Việt của Ngẫu nhiên và Tất yếu, dịch giả Hà Dương Tuấn cùng các học giả đã tranh luận về câu hỏi muôn thuở của loài người là con người khác con vật ở điều gì? Nhiều đáp án đã được đưa ra và phản biện cho câu hỏi này.
Học giả Phạm Khiêm Ích cho rằng sự khác nhau giữa con người và con vật là ngôn ngữ. Đồng ý với ý kiến trên, nhà vật lý Giáp Văn Dương bổ sung thêm một điểm là con người biết đặt câu hỏi: "Người là gì?". Chỉ khi mỗi người nhận thức được mình là ai, ta mới có thể sống trọn vẹn với đáp án mà ta đã tìm ra về định nghĩa con người.
Cuốn sách Ngẫu nhiên và Tất yếu. |
Sách có góc tiếp cận mới về triết học qua góc nhìn sinh học phân tử, mở rộng thuyết tiến hóa: đi sâu vào bản thể như cấp độ phân tử và đi xa hơn qua cấp độ con người.
Jacques Monod đã khai phóng con người sang một chương mới để hiểu rõ hơn chúng ta là ai trong thế giới này, để rồi con người biết cách để sống xứng đáng hơn, sống có ích hơn với xã hội. Cách nhìn mới về học thuyết tiến hóa của tác giả đã giúp người đọc phát triển thêm một bậc về tư duy và phản tư.
Jacques Monod (1910 - 1976) là nhà sinh vật học người Pháp. Ông cùng với Francois Jacob phát hiện ra cơ chế điều hòa của gene. Họ cùng với André Lwoff được trao giải thưởng Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1965.