Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trí tuệ nhân tạo sẽ xóa sổ con người trong tương lai gần?

Cuốn sách “Phát minh cuối cùng” cho thấy tác động mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo tới đời sống con người, trong đó có vấn đề tồn vong của nhân loại.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục đích giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Càng ngày, trí tuệ nhân tạo càng tác động mạnh mẽ tới đời sống nhân loại. Cuốn sách Phát minh cuối cùng của tác giả James Barrat cảnh báo những nguy cơ, hệ lụy mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.

Tri tue nhan tao,  Tuong lai nhan loai,  AI anh 1
Cuốn sách Phát minh cuối cùng cảnh báo nguy cơ của việc phát triển trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, sách được dịch và phát hành tại Việt Nam. Dịch giả Chu Kiên tóm tắt cuốn sách mà mình chuyển ngữ trong một câu ngắn gọn: “Trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên cực mạnh trong một tương lai gần và chúng sẽ xóa sổ con người khỏi Trái đất”.

Không thể phủ nhận được những tiện ích mà trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho đời sống con người. Nó có thể chọn giúp con người những cuốn sách để đọc, những bộ phim để xem, và thậm chí chọn cả đối tác để bạn hẹn hò. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người quản lý, điều hành mọi công việc, từ giúp bạn lái xe, phân tích thị trường chứng khoán và giúp bạn giao dịch, kiểm soát cơ sở hạ tầng, giao thông.

Rất nhiều công ty, cơ quan đang đầu tư tiền của để có được một AI với trí thông minh ở cấp độ con người. Liệu khi đạt cấp độ thông minh như vậy, trí tuệ nhân tạo có những động lực sống giống như con người?

Thông qua việc phỏng vấn với những người có tầm nhìn xa về công nghệ, các cơ quan giám sát công nghiệp, hệ thống AI, tác giả cuốn Phát minh cuối cùng đưa ra những nguy cơ của việc theo đuổi AI cao cấp. Liệu con người có thể tồn tại với những thứ mà trí tuệ của chúng ta đã trở nên nhỏ bé hơn? Liệu chúng có cho phép chúng ta cùng tồn tại?

Stephen Hawking - nhà vật lý lý thuyết thiên tài người Anh, Bill Gates - tỉ phú Mỹ, đồng sáng lập Microsoft, Elon Musk - chủ nhân của SpaceX và Tesla, và vô số những cá nhân kiệt xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghệ… đều hoặc từng cảnh báo, hoặc lo ngại về khả năng AI cạnh tranh với bộ óc con người. Năm 2015, họ cùng ký vào một bức thư nhấn mạnh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt của vấn đề AI.

Tri tue nhan tao,  Tuong lai nhan loai,  AI anh 2
Tác giả James Barrat.

Tác giả James Barrat (1960) không phải một thiên tài công nghệ hay tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực này. Ông là một người làm phim tài liệu, đã sử dụng kỹ năng báo chí của mình để phỏng vấn, đưa ra vấn đề về AI một cách đơn giản, dễ hiểu.

Bill Hibbard - tác giả cuốn Những cỗ máy siêu trí tuệ - nhận xét: “Cuốn sách của Barrat […] là một công trình tuyệt vời để truyền đạt đến độc giả phổ thông sự nguy hiểm của những sai lầm trong thiết kế và ứng dụng AI”.

Còn Jaan Tallinn - đồng sáng lập Skype cho rằng cuốn sách đã nêu “trần trụi” về chủ đề quan trọng nhất của thế kỷ này, và còn có thể hơn thế - sự tồn vong của nhân loại.

Trong phần mở đầu bản tiếng Việt, dịch giả Chu Kiên nói, cuốn sách của James Barrat đã khiến ông nhận ra nhiều điều. Rằng trí tuệ nhân tạo là một cơn sóng thần khổng lồ, và con người là những sinh vật tí hon đang đứng trên bờ cát.

Dịch giả viết: “Ngay bây giờ đã có thể nhìn thấy nó ở khoảng cách không xa. Chúng ta có thể lựa chọn hoặc đối diện với nó, hoặc ngoảnh mặt đi. Nhưng sẽ không có nơi nào để chạy. Khi nó đến, nó sẽ thay đổi mọi thứ: chính trị, kinh tế, tài chính, sản xuất, lao động, y học, giáo dục, khoa học, nghệ thuật... và cả chiến tranh, với một tốc độ khủng khiếp. Thế giới sẽ có những biến động không thể hình dung nổi vào những thập niên sắp tới”.

Sách kinh điển lĩnh vực chính trị, luật pháp tái xuất

"Chính trị luận" của Aristotle, "Bàn về khế ước xã hội" của Rousseau, "Cộng hòa" của Plato, cùng một số đầu sách mới được in lại trong bộ sách Kinh điển.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm