Đi tìm những giấc mơ là tuyển tập bút ký chân dung văn học của nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim. Cuốn sách là những câu chuyện về 37 gương mặt nổi bật của nền văn học Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Họ đã sống và hết lòng cùng những con chữ. Trong những trang sách đầy ắp tâm tư không chỉ là chuyện của riêng một người, đó là trải nghiệm của cả một thế hệ.
Trong hành trình Đi tìm những giấc mơ của Trần Hoàng Thiên Kim có những cơn mộng đầy ắp màu hoài niệm. Chị đã viết về nhà văn Nguyễn Tuân với sự ngưỡng vọng của hậu thế dành tặng bậc tiền nhân. Câu chuyện về một con người, một nhân cách lớn, say mê chữ nghĩa, phóng khoáng đầy tự do hiện lên thật thà, trong trẻo. Nhà văn Nguyễn Tuân đã ra đi hơn 30 năm, nhưng đọc những trang viết của Trần Hoàng Thiên Kim ta bỗng thấy gần gũi đến lạ lùng.
Thời gian và kẻ bạc tình có một điểm giống nhau, đó là sự tàn nhẫn. Trong dòng chảy của văn học, có những cái tên đã bị lớp bụi thời gian làm cho lu mờ. Phạm Cao Củng là một cái tên như thế. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, ông đã rất thành công với thể loại trinh thám.
Hàng loạt tác phẩm của ông đã được in trên in trên tạp chí Tiểu thuyết thứ Bảy và được công chúng đón nhận nhiệt tình như: Vết tay trên trần, Gia tài nhà họ Đặng, Chiếc tất nhuộm bùn… Nhưng vàng son một thuở ấy nay còn đâu? Nhiều bạn đọc trẻ và có cả tầng lớp trung niên nữa, khi nhắc đến cái tên Phạm Cao Củng chỉ biết lắc đầu.
Những trang viết của Trần Hoàng Thiên Kim đã tái hiện lại một con người tài hoa, say mê với những câu chuyện ly kì. Một chàng thanh niên trẻ đến với văn chương chỉ như một thú vui nhất thời để xua đi nhàm chán, nhưng trót mang nợ với con chữ nên cả đời ở lại và viết nên những cuốn truyện trinh thám mang hồn cốt Việt Nam.
Tập bút ký Đi tim những giấc mơ của Trần Hoàng Thiên Kim. |
Đi tìm những giấc mơ của Trần Hoàng Thiên Kim còn là bức tranh sống động về đời sống văn chương đương đại, về những người đang sống và mê mải cùng con chữ với bao trăn trở, u hoài và khát khao. Đó không chỉ là chuyện đời của riêng một cá nhân, đó là câu chuyện của cả một thế hệ, những con người đã sống và viết trong những căn hộ tập thể chật chội, nhưng vẫn hào sảng và say mê.
Đó là một Nguyễn Khắc Trường thật thà, chân chất đi cùng cái nghiêm cẩn của một người lính. Ông luôn coi sáng tác là một công việc quan trọng và bỏ vào đó nhiều tâm sức. Để có một đứa con tinh thần đáng quý như Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã phải lăn lộn nhiều tháng ở nông thôn, trò chuyện và quan sát người dân với tâm thế “viết một cái gì đó cho ra hồn”. Nếu không làm được điều đó, ông sẽ không sáng tác nữa mà chuyên tâm làm báo.
Nguyễn Huy Thiệp là một tên tuổi đáng nể trong nền văn học Việt Nam đương đại và Trần Hoàng Thiên Kim đã dành cho tác giả của Tướng về hưu sự trân trọng như cái cách người ta gìn giữ một thứ “của hiếm”. Trong câu chuyện của chị có sự tiếc nuối khi một con người tài hoa quyết định dừng sự nghiệp sáng tác. Và cũng như bao nhiêu người khác, Trần Hoàng Thiên Kim hỏi Nguyễn Huy Thiệp có “tiếc” không?
Nhưng viết lách với Nguyễn Huy Thiệp không phải là cứ an phận mà đi hoài trên con đường cũ. Khi không thể đổi mới chính mình ông quyết định dừng lại. Câu trả lời đầy kiêu hãnh ấy không chỉ làm an lòng Trần Hoàng Thiên Kim mà còn làm cho những người yêu cái chất văn độc đáo mà trầm lắng của Nguyễn Huy Thiệp càng trân trọng ông hơn.
Cũng như đời sống, văn học vận động không ngừng và “tre già măng mọc” là quy luật bất biến. Thật thiếu sót, nếu không kể dăm ba câu chuyện về những nhà văn trẻ, những người bạn viết, những người anh chị cùng thời với Trần Hoàng Thiên Kim. Chính họ đang sống với hơi thở của hiện tại và đưa ngày hôm nay vào trang sách.
Đó là một Nguyễn Ngọc Tư hiền hậu và chất phác. Người đã đưa cái chất Nam bộ thuần khiết vào văn chương. Từ truyện ngắn đầu tay được đăng trên báo Văn nghệ Cà Mau đến nay chị đã đi được một chặng đường dài với cây bút, trải bao ngọt bùi và cũng lắm đắng cay. Dẫu thế nào, chị Tư Cà Mau vẫn vậy, sống và viết tự nhiên như hơi thở.
Nhiều người biết tới Đỗ Doãn Phương với tư cách một nhà báo, nhưng Trần Hoàng Thiên Kim cho người đọc thấy một “diện mạo” khác của anh. Một nhà thơ. Nếu đời sống sôi động của báo chí cho người ta sự xông xáo, nhiệt thành, dám đương đầu với thử thách thì thơ ca mang đến cho Đỗ Doãn Phương sự trầm lắng để khám phá những chiều kích khác của tâm hồn, nơi anh bắt đầu một cuộc độc hành.
Trong những quán café yên tĩnh, nơi phòng làm việc đầy ắp giấy tờ, hay căn nhà nhỏ xinh nằm trong con ngõ của nào đó của Hà Nội ồn ã, những câu chuyện với văn nhân của Trần Hoàng Thiên Kim được kể từ đó. Dù sáng tác tiểu thuyết, viết truyện ngắn hay làm thơ, dường như văn nhân đều có một giấc mơ chung đó là viết làm sao để những sáng tạo của mình trở nên gần gũi, chân thực như đời sống.
Đi tìm những giấc mơ nhưng trong đó toàn là những câu chuyện thực của những con người đã dành cả cuộc đời mải miết với văn chương. Cái chất văn chậm rãi, như lời tỉ tê của Trần Hoàng Thiên Kim đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên mà dung dị. Phải chăng việc chị là một nhà thơ cả đời cũng nặng lòng với những cái bay bổng lâng lâng của con chữ nên chị đồng cảm được với các nhân vật của mình.