Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trí tuệ nhân tạo ở quanh ta

Tác giả sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" viết AI đã xuất hiện ở khắp nơi, từ xe tự hành đến máy bay không người lái, từ trợ lý ảo đến phần mềm dịch thuật.

Tiền đề của cuốn sách này là công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa mọi thứ, biến câu khẩu ngữ hay bị lạm dụng và thường không chính xác “lần này mọi chuyện sẽ khác” thành phù hợp.

Nói đơn giản, những sáng tạo lớn về công nghệ sắp thổi bùng những thay đổi lớn lao trên khắp thế giới như một tất yếu khách quan.

Tầm vóc và quy mô thay đổi lý giải vì sao đột phá và sáng tạo ngày nay đều toát lên sự cấp bách. Tốc độ của những sáng kiến từ cả khía cạnh phát triển lẫn lan tỏa đều nhanh chưa từng thấy.

Công nghệ thay đổi thế giới

Những nhân tố đột phá hiện nay đã thành những cái tên cửa miệng, dù mới mấy năm trước còn ít người biết đến. Chiếc iPhone mà ngày nay đi đâu cũng gặp mới chỉ ra đời năm 2007. Thế nhưng, đến cuối năm 2015, thế giới đã có 2 tỷ chiếc điện thoại thông minh.

Năm 2010, Google công bố chiếc xe tự hành đầu tiên của hãng. Loại xe này có thể sớm trở nên phổ biến trên đường phố.

Còn nhiều nữa, nhưng không chỉ có tốc độ; hiệu suất theo quy mô cũng thay đổi đáng kinh ngạc không kém. Số hóa đồng nghĩa với tự động hóa, nghĩa là hiệu suất của doanh nghiệp sẽ không giảm dần theo quy mô (hoặc có ít doanh nghiệp hơn có hiệu suất bị giảm dần theo quy mô).

Để dễ hình dung trên tổng thể, hãy so sánh Detroit năm 1990 (khi đó vẫn là một trung tâm công nghiệp truyền thống) với thung lũng Silicon năm 2014. Năm 1990, ba công ty lớn nhất Detroit có tổng giá trị vốn hóa trên thị trường là 36 tỷ USD, doanh thu 250 tỷ USD, và có 1,2 triệu nhân viên.

Năm 2014, ba công ty lớn nhất thung lũng Silicon có giá trị vốn hóa cao hơn nhiều lần (1,09 nghìn tỷ USD), với doanh thu tương đương (247 tỷ USD), nhưng số nhân viên chỉ bằng 1/10 (137.000 người).

Việc một đơn vị của cải vật chất ngày nay được tạo ra với số nhân công ít hơn nhiều so với 10 hay 15 năm trước là nhờ kinh doanh trên nền tảng số có chi phí biên gần như bằng không.

Ngoài ra, một thực tế trong kỷ nguyên số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp “hàng hóa thông tin” với chi phí lưu trữ, vận chuyển và nhân bản gần như bằng không.

Để thành công, một số công ty công nghệ đột phá gần như không cần vốn, qua đó thay đổi vai trò của vốn và quy mô kinh doanh trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về tổng thể, điều đó cho thấy nhân tố hiệu suất theo quy mô càng khuyến khích thay đổi về quy mô và ảnh hưởng trên khắp các hệ thống.

Cach mang 4.0 thay doi the gioi anh 1

Ảnh minh họa về AI. Nguồn: Getty Images.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo

Ngoài tốc độ và quy mô, tính độc nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thể hiện ở sự hài hòa và tích hợp ngày càng tăng của nhiều ngành và nhiều phát kiến khác nhau.

Những sáng tạo hữu hình là kết quả của việc phụ thuộc lẫn nhau giữa các công nghệ khác nhau không còn là khoa học viễn tưởng. Ngày nay, các công nghệ chế tác số có thể tương tác với thế giới sinh học.

Một số nhà thiết kế và kiến trúc sư đã bắt đầu kết hợp thiết kế điện toán, công nghệ sản xuất đắp dần, kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp để đi tiên phong sản xuất các hệ thống bao hàm khả năng tương tác giữa vi sinh vật, cơ thể người, sản phẩm chúng ta tiêu dùng, và thậm chí cả tòa nhà ta ở.

Khi làm vậy, họ đang chế tạo (thậm chí “nuôi trồng”) những sản phẩm có thể liên tục biến đổi và thích nghi (năng lực đặc hữu của thực vật và động vật).

Trong cuốn Kỷ nguyên máy móc thứ hai, Brynjolfsson và McAfee lập luận rằng máy tính ngày nay tinh xảo tới mức gần như không dự báo được những ứng dụng của chúng sau vài năm.

Trí tuệ nhân tạo đã ở khắp nơi quanh ta, từ xe tự hành đến máy bay không người lái, từ trợ lý ảo đến phần mềm dịch thuật. Tất cả đang biến đổi cuộc sống của nhân loại.

Trí tuệ nhân tạo đã có những bước tiến ấn tượng nhờ sự gia tăng vượt bậc của năng lực điện toán cùng sự sẵn có của một khối lượng dữ liệu khổng lồ, từ phần mềm sử dụng để phát hiện ra các loại thuốc mới đến thuật toán dự báo những quan tâm văn hóa của chúng ta.

Nhiều thuật toán kiểu này tích lũy từ những “mẩu vụn thông tin” - là những dấu vết dạng dữ liệu chúng ta lưu lại trên thế giới số.

Hệ quả của nó là sự ra đời của những công nghệ “máy tự học” và phát kiến tự động hóa kiểu mới cho phép robot “thông minh” và máy tính tự lập trình và tìm kiếm phương án tối ưu từ các nguyên tắc cơ bản.

Các ứng dụng như Siri của Apple cho ta thấy triển vọng ban đầu của một nhánh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng - với cái tên trợ lý thông minh.

Hai năm trước, trợ lý thông minh mới chỉ sơ khai. Đến nay, nhận diện giọng nói và trí tuệ nhân tạo đã tiến nhanh đến mức nói chuyện với máy tính sẽ sớm thành chuyện bình thường, tạo nên mô hình được một số chuyên gia công nghệ gọi là “điện toán xung quanh ta”, trong đó những robot trợ lý cá nhân sẽ luôn thường trực để ghi chép và đáp ứng những yêu cầu của người dùng.

Càng ngày các thiết bị sẽ càng trở thành một phần của hệ sinh thái cá nhân của chúng ta, lắng nghe chúng ta, dự báo nhu cầu và hỗ trợ chúng ta khi cần thiết - ngay cả khi ta chưa yêu cầu".

Klaus Schwab / NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và Thái Hà Books

SÁCH HAY