"Tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ tiến triển để đáp ứng nguyện vọng của người dân về một chính phủ của toàn bộ người Thái. Đây sẽ là khởi đầu cho cuộc cải cách chính trị của chính phủ và đồng minh. Vì vậy, nền chính trị sẽ không gặp phải những vấn đề cũ cần tới những giải pháp cũ và không ai mong muốn", ông Prayut tuyên bố.
"Những giải pháp cũ và không ai mong muốn" mà thủ tướng Thái Lan nhắc tới có ý ám chỉ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014 do chính ông Prayut đứng đầu. Cuộc đảo chính kết thúc nhiều tháng biểu tình của người dân và đưa ông Prayut lên làm thủ tướng của chính phủ quân sự, theo South China Morning Post.
Các đảng đối lập nhanh chóng coi tuyên bố trên của ông Prayut là mối đe dọa. Phát ngôn viên đảng Pheu Thai Sunisa Lertpakawat đặt câu hỏi: "Có phải ông ấy đang đe dọa người dân rằng nếu tình hình bất ổn chính trị vượt quá mức chịu đựng, ông ấy sẽ ra lệnh cho lực lượng vũ trang lên nắm quyền hay sao?".
Thủ tướng Thái Lan Prayut mới tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Giới quan sát nhận định tuyên bố của thủ tướng Thái Lan cho thấy nội bộ chính trị hỗn loạn của đất nước chùa vàng, dẫn tới việc nội các mới hiện vẫn chưa được thành lập.
Ngoài ra, trong nội bộ đảng Palang Pracharat, đồng minh của ông Prayut, cũng có nhiều chia rẽ phức tạp.
Tuyên bố của thủ tướng Thái Lan được coi là cao trào của các thỏa thuận cửa sau, vốn diễn ra khi ông Prayut và các chính trị gia kỳ cựu hợp tác trong cuộc tổng tuyển cử dưới danh nghĩa đảng đồng minh Palang Pracharat.
Hôm 3/7, Thủ tướng Prayut tuyên bố danh sách các thành viên nội các sẽ được công bố sớm và được trình lên hoàng gia phê duyệt vào giữa tháng 7.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đây là điểm khởi đầu cho tương lai chính trị khó đoán định của Thái Lan. Bởi ông Prayut sẽ điều hành chính phủ với một liên minh yếu và sẽ nhanh chóng mất đi quyền lực khi nội các mới được thành lập.