Sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM, cho rằng cần phát huy nội lực của đất nước trong phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay cũng như cảnh giác với hiện tượng mất chủ quyền về kinh tế.
Phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - an ninh quốc phòng
Theo ông Nghĩa, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã năng nổ trong công việc, chỉ đạo điều hành và sâu sát với dân. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng "trên nóng dưới còn lạnh". Ông Nghĩa đề nghị: “Trên cứ nóng, dưới ắt phải nóng theo, dưới còn ai lạnh thì phải thay thế”.
ĐB Nghĩa nhấn mạnh các nhà kinh tế thường dựa vào các yếu tố mạnh yếu, nguy cơ và thời cơ để tìm ra giải pháp. Khi xác định đúng điều này mới có thể tìm được giải pháp tốt. Để tìm ra giải pháp phát triển hiện nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất một số vấn đề.
Thứ nhất, trong khi nhiều nguồn lực, động lực đang suy giảm, cần có các chính sách phát huy được sức mạnh tinh thần, đạo đức, trí tuệ của của 54 dân tộc và của người Việt Nam ở nước ngoài. Khi đó sẽ tạo ra một nguồn lực và động lực lớn cho phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Để phát huy nguồn lực đó, trước hết cần phát huy dân chủ, hãy triển khai thực sự các quy định tại chương 2 trong Hiến pháp 2013. Cụ thể cần tạo ra các chính sách, luật phát phát huy tối đa sáng kiến, tâm huyết trí tuệ của nhân dân trong các tổ chức dân sự thiện nguyện, ban hành luật lập hội, luật biểu tình để đảm bảo quyền dân và đảm bảo quản lý Nhà nước bằng luật.
Ông nhấn mạnh hiện nay có nhiều thế lực thù địch, khủng bố, an ninh phi truyền thống khác, có thách thức an ninh quốc phòng. Tuy nhiên không vì những yếu kém trong bộ máy quản lý mà nhận định hạn hẹp mang tính chất tình thế. Qua đó làm thương tổn ngày càng suy yếu mối quan hệ của nước đầy tình nghĩa, tin tưởng nhau giữa cán bộ và nhân dân từ thời kháng chiến.
“Trong kháng chiến cán bộ nằm vùng, hoạt động bí mật. Dân ghét mà bỏ mặc thì chết nhưng cán bộ vẫn bám dân, dân vẫn hy sinh bảo vệ cán bộ. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng vũ trang mạnh hơn nhưng lại có hiện tượng sợ dân, có những chủ trương luật pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cần tìm nguyên nhân xuất phát từ đâu, không có nước thì cá chết, nhưng không có cá, nước vẫn còn”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ĐB Nghĩa, dân chủ là phương thức chủ yếu để phát huy nội lực không bao giờ vơi cạn của 90 triệu người dân Việt Nam vốn cần cù, sáng tạo, yêu nước, thông minh.
Cảnh giác với nguồn vốn đáng nghi ngờ
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần cảnh giác hiện tượng mất chủ quyền kinh tế với các hành động đầu tư, mua bán, sáp nhập, du lịch, di dân… Cần sửa đổi luật pháp để nếu cần có thể bác bỏ các dự án có nguy cơ thôn tính, chi phối chủ quyền kinh tế. Kiểm tra thanh tra lại các dự án đầu tư mua bán sát nhập có dấu hiệu trá hình, lách luật.
ĐB Nghĩa đề nghị cần cảnh giác cao với nguồn vốn đáng nghi ngờ của một số nước ngoài bởi “mỗi con đường đều kèm theo một chiếc đai của chủ nợ nhằm trói buộc con nợ trong trung hạn và dài hạn”.
Ông cũng kiến nghị xem lại các quy định mua bán nhà ở, kết hôn, xuất nhập cảnh, du lịch để ngăn chặn nguy cơ chia rẽ ly khai dân tộc trong 5-10 năm tới… Sự hồi sinh chủ nghĩa thực dân mới có nguy cơ mất chủ quyền quốc gia bằng viện trợ và hội nhập kinh tế bắt đầu diễn ra ở nước ta.
ĐB Nghĩa cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là cơ hội để đất nước phát triển là nguy cơ tụt hậu, trở thành công dân hạng 2, hạn 3 trên thế giới. Để có 4.0 phải có con người 4.0, cần có chủ trương chính sách để tạo ra con người 4.0.
Theo đó, từ cán bộ lãnh đạo chính trị, quản lý kinh tế, an ninh quốc phòng đến đội ngũ khoa học, văn hóa… Cần lưu ý không hiểu công nghệ 2.0, 3.0 thì khó lãnh đạo xã hội trong thời kỳ 4.0.
“Như đã nói, thời gian không thuộc về chúng ta, cơ hội không chờ đợi chúng ta. Trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay, không có bữa trưa miễn phí, cho dù đó là vịt quay Bắc Kinh hay Hambuger của Mỹ”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Cán bộ hư hỏng là "giặc nội xâm" đúng nghĩa
Ông Nghĩa cho rằng cần làm tốt công tác cán bộ. Theo đó, chúng ta đang chứng kiến và giải quyết hậu quả khủng khiếp của nạn của cán bộ yếu kém, hư hỏng và tham nhũng, móc ngoặc với những nhóm lợi ích xấu để chiếm đoạt tài nguyên và cơ hội ở diện rộng, quy mô.
Những cán bộ này để lại những món nợ công khổng lồ hàng chục năm sau chưa trả hết, gây nguy cơ đến an ninh quốc phòng, đó chính là giặc nội xâm đúng nghĩa.
“Nhân dân hoan nghênh việc công khai minh bạch những dự án nợ công vi phạm về kinh tế và môi trường và việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân. Nhiều cử tri đề nghị phải tịch thu các tài sản bất minh nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp bởi bỏ tù và tử hình thì cũng không giarm thiệt hại cho đất nước”, ông Nghĩa đề xuất.
ĐB Nghĩa cũng cho rằng cần kiên quyết và triệt để hơn trong các vụ án tham nhũng đang và sẽ tiến hành vì nếu không thì sẽ phản tác dụng. “Cần đột phá trong tinh giản bộ máy cán bộ công chức, có biện pháp đồng bộ hợp lý nhưng kiên quyết. Cỗ xe hành chính đã sắp chết máy vì chở quá nhiều người, vì quá nặng và sắp hết xăng”, ĐB Nghĩa nói.