Theo phó thủ tướng, các vấn đề được đại biểu trao đổi quan tâm là tăng cường, giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại các ngành kinh tế, DNNN, ngân sách Nhà nước, nợ công, sử dụng vốn vay, sắp xếp bộ máy hành chính, giảm nghèo, chống tham nhũng, lãng phí, ứng xử với người dân...
Các bộ trưởng cũng đã có ý kiến giải trình. Thay mặt Chính phủ, ông cũng trao đổi thêm.
'Không đạt 6,7% tăng trưởng GDP, mọi bài toán phải tính lại'
Về tăng trưởng GDP, mục tiêu 2017 là 6,7%. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh cơ hội, thuận lợi thì có không ít khó khăn. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tập trung, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ đồng hành cùng DN, người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Năng lực cạnh tranh đã tăng 5 bậc. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến tăng 14 bậc. Hãng Moody nâng mức tín nhiệm ngân hàng Việt Nam lên mức tích cực. Ông cho biết đây là các tín hiệu mừng.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017 có nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng. So với 2016, dầu khí, khai khoáng giảm 0,5-0,7% GDP. Lúc đó nhiều ý kiến bên ngoài cho rằng không chạy theo mục tiêu tăng trưởng, cũng đúng, nhưng Chính phủ kiên định.
"Tăng trưởng 6,7% mới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không tất cả bài tính phải tính lại hết. Chỉ số này góp phần đảm bảo an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, thu ngân sách tăng, đảm bảo các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng, góp phần giảm bội chi.
Tăng trưởng cao hơn, Việt Nam mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới, khắc phục tụt hậu", ông Dũng cho biết.
Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng kịch bản cho từng quý, rà soát với 31 sản phẩm chủ lực, yêu cầu các bộ, ngành có liên quan kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7% nhờ tăng trưởng cao, đồng đều ở 3 khu vực. Nông nghiệp 9 tháng tăng gấp hơn 4 lần so cùng kỳ 2016.
Công nghiệp và xây dựng 9 tháng tăng 7,17%. Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%, chung 10 tháng tăng 8,7% so với mức 7,3% của 2016. Khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng cao hơn nhiều so với 2016. Du lịch tăng mạnh, 10 tháng, khách đạt 10,4 triệu khách, đã bằng 2016 rồi.
Xuất khẩu 10 tháng đạt gần bằng tổng xuất khẩu 2016. Từ đó góp phần giảm nhập siêu, hiện tại đã xuất siêu 1,23 tỷ USD. Trong xuất khẩu này có rau quả, máy móc phụ tùng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có nhiều sản phẩm mới... Tổng đầu tư xã hội tăng, đạt 33,9% GDP.
Lần đầu tiên tăng trưởng không phụ thuộc khai khoáng
Kết quả tăng trưởng đạt được không phải phụ thuộc vào Samsung hay một vài sản phẩm thép mà đồng đều các ngành, lĩnh vực, có đóng góp của nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực.
Lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng nhưng không phụ thuộc vào tăng trưởng của ngành khai khoáng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng được ủy quyền thay mặt Chính phủ giải đáp các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi. |
Tuy nhiên, theo ông, chất lượng tăng trưởng nhiều đại biểu chưa hài lòng. Điều này thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn thấp, công nghiệp hỗ trợ còn chậm, đặc biệt trong ôtô... Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng còn chậm, lúng túng ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.
Báo cáo với Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ vẫn đang tập trung chỉ đạo tái cấu trúc ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phù hợp. Trong đó, tập trung các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện thể chế như Luật đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, phí, ngân sách.
Gắn quy hoạch với tái cấu trúc ngành, ứng phó biến đổi khí hậu, với thị trường. Lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu nhưng coi trọng thị trường nội địa. Trong đó chú ý vừa mở rộng thị trường quốc tế nhưng vẫn giữ vững thị trường truyền thống, chú ý tổ chức thị trường bán lẻ nội địa.