Con tôi đi học hay nóng giận, đánh bạn bất thường, thường không ngồi học mà chạy lung tung. Bé nói rất nhiều nhưng lại bổ sung nhiều câu nói không liên quan, trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi. Cho tôi hỏi trẻ như vậy là tăng động hay hiếu động? Làm thế nào để phân biệt hai định nghĩa này?
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)
Để giúp phân biệt trẻ bị tăng động và hiếu động, phụ huynh có thể dựa vào sự ảnh hưởng chức năng của các hành vi tăng hoạt động và có đi kèm với các triệu chứng khác của rối loạn tăng động giảm chú ý hay không.
Trẻ hiếu động thường hoạt động năng nổ, phấn khích ở một số không gian được cho phép như sân trường, nhà ở, khu vui chơi... Đặc biệt, nếu được yêu cầu một số nguyên tắc chung như ngồi yên, im lặng, xếp hàng... trẻ vẫn tuân theo được.
Khác với trẻ hiếu động, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuyên hoạt động rất nhiều dù ở trong bất kỳ môi trường nào, kể cả khi được yêu cầu giữ trật tự như trong giờ học, giờ ăn, những nơi tôn nghiêm. Một số trẻ vẫn có nhận thức rằng bé bị tăng động nhưng ít thể kiềm chế được những hoạt động của bản thân.
Một dấu hiệu khác thường đi kèm ở trẻ bị tăng động giảm chú ý là trẻ thường có các xung động. Trẻ thực hiện các hành vi bất chấp hậu quả, như đột ngột hét lớn, chạy ra khỏi chỗ ngồi, chọc phá bạn, giành đồ chơi, thậm chí đánh nhau.
Những điều này thường dẫn đến kết quả là trẻ bị bố mẹ hạn chế cho đi chơi, bạn bè xa lánh, thầy cô khiển trách, không ít các bé buộc phải thôi học vì những vấn đề này. Sự ảnh hưởng chức năng này ít gặp phải ở trẻ hiếu động.
Tất cả triệu chứng của việc tăng động giảm chú ý có thể ảnh hưởng tới chức năng xã hội, chức năng cá nhân, chức năng học tập của trẻ. Nếu không được điều trị tăng động, lớn lên trẻ sẽ tiếp tục có những xung động lớn hơn, dẫn đến tổn thương cơ thể, mắc các rối loạn tâm thần lo âu, trầm cảm, rối loạn cư xử.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.