Sáng 7/5, tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. Các phụ huynh phải đưa con ra hành lang nằm vì phòng kín chỗ và thời tiết nóng bức. Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, cho biết mặc dù lượng bệnh nhi chưa tăng đột biến, nhưng đây là thời gian bệnh tay chân miệng vào mùa.
“Cùng với sởi thì tay chân miệng và các bệnh khác đang tạo áp lực lớn đến quá trình chăm sóc bệnh nhi”, bác sĩ Thoa nói. Hiện, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho 50 trẻ bị bệnh sởi, trong đó có những trường hợp bị biến chứng rất nặng.
Còn tại BV Nhi đồng 2, theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm số lượng trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 40 ca. Hầu hết những trường hợp này đều trong tình trạng nhẹ, chỉ có 2 ca bị biến chứng nhưng đã được các bác sĩ can thiệp kịp thời.
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2. |
Về bệnh sởi, theo các bác sĩ, thời gian qua, nhiều phụ huynh tự ý chữa cho trẻ theo phương pháp tắm rau mùi, đeo vòng chống sởi..., đây đều là các cách chưa được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Do vậy, bác sĩ Nam khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi là điển hình ở giai đoạn đầu của bệnh. Ban sẽ nổi sau 3 - 4 ngày tiếp theo. Phụ huynh cần phát hiện ngay triệu chứng thở nhanh, co giật vì đây là triệu chứng báo hiệu bệnh sởi trở nặng.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa, và trẻ có thể bị nhiều lần trong đời. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là viêm màng não, viêm não, tổn thương tim, phù phổi. Vì vậy, các bác sĩ khuyên khi trẻ bị tay chân miệng cần cách li và giữ vệ sinh. Phụ huynh khi làm thức ăn hoặc trước khi chăm sóc bé cần rửa tay sạch sẽ.