Công trình do nhóm chuyên gia tại Đại học Regent London, Anh, phát hiện và công bố trên tạp chí British Journal of Educational Psychology ngày 2/11.
Nghiên cứu được thực hiện trên 339 trẻ em 4-14 tuổi. Cha mẹ của các em được phát bảng hỏi xoay quanh thói quen ngủ và nhịp thở trong giấc ngủ. Nhưng nhóm chuyên gia cũng đánh giá tốc độ đọc từ của trẻ để so sánh.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ có nhịp thở rối loạn khi ngủ, buồn ngủ vào ban ngày và thời gian ngủ ít thường gặp vấn đề về phát âm, nói chuyện và khó hoàn thành bài kiểm tra đọc được giao. Các em cũng hiếu động thái quá, cáu gắt, lo lắng, gia tăng những vấn đề về hành vi, hiệu quả học tập và nhận thức kém.
Các vấn đề liên quan giấc ngủ của trẻ tương đối phổ biến với những hành vi thông thường như trằn trọc đến khó thở khi ngủ. Trẻ cũng gặp phải các vấn đề về rối loạn nhịp thở, điển hình như ngáy (7,54%), ngưng thở khi ngủ (1-4%).
Trẻ ngủ ít, khó ngủ hoặc rối loạn nhịp thở khi ngủ dễ gặp vấn đề về nhận thức, hành vi, phát triển trí tuệ. Ảnh: Freepik. |
Nhóm chuyên gia tổng hợp các công trình trước đó cho thấy giấc ngủ cũng liên quan khả năng học tập, phát triển trí tuệ của trẻ. Chất lượng giấc ngủ tốt liên quan việc trẻ đạt điểm cao hơn ở các môn Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp hay ngôn ngữ nói chung.
Một phân tích tổng hợp trên 16 báo cáo về rối loạn nhịp thở cũng phát hiện trẻ gặp vấn đề này thường học kém các môn Toán, khoa học, nghệ thuật, ngôn ngữ. Đặc biệt, tác động này rất rõ ràng ở khả năng phát âm, đọc hiểu, viết chính tả. Song, các nghiên cứu cũng chỉ ra điều đó không đồng nghĩa kết luận thành tích học tập nói chung của trẻ bị giảm sút vì chất lượng giấc ngủ kém.
Nghiên cứu khác trên 118 trẻ em tại Anh cũng phát hiện những trẻ mắc chứng ngủ ngáy có khả năng nhận thức tổng thể kém, gặp khó khăn trong tưởng tượng không gian, giảm chú ý, dễ lo lắng và bối rối trước các hành vi xã hội. Tương tự, trẻ bị rối loạn nhịp thở khi ngủ có trí nhớ kém, kỹ năng thị giác, tưởng tượng không tốt và dễ mất tập trung.
Nhóm tác giả đặt giả thuyết nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do giấc ngủ ảnh hưởng chức năng nhận thức như sự chú ý, trí nhớ, khả năng điều khiển hoạt động.
Do đó, TS Anna Joyce, Đại học Regent London, tác giả chính của nghiên cứu, khuyến cáo: “Khả năng đọc, nói, phát âm tốt giúp trẻ thành công hơn trong học tập. Vì vậy, phụ huynh nên sàng lọc sớm các vấn đề về giấc ngủ ở trẻ khó đọc”.