Trong lúc nhiều đảng viên, cán bộ tại tỉnh Quảng Trị có đơn tố cáo gửi tới cơ quan hữu quan xung quanh vụ một nữ cán bộ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã 51 tuổi lại được làm quy trình để bổ nhiệm chức danh phó giám đốc, thì bất ngờ, nữ cán bộ này có được văn bản công nhận cho “trẻ lại” 2 tuổi.
Người đó là bà Phan Thị Thanh Thảo, còn cơ quan ra văn bản cho “trẻ lại” là Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh.
Dựa vào chữ “nếu” để cho “trẻ lại”
Theo hồ sơ đảng viên, bà Phan Thị Thanh Thảo (hiện là Trưởng phòng Tổ chức hành chính BHXH tỉnh Quảng Trị) sinh ngày 2/2/1963. Nhưng ngày 6/1/2014, bà Thảo có được văn bản cho phép hạ 2 tuổi với ngày, tháng, năm sinh là 2/2/1965. Và chỉ 2 ngày sau, cơ quan chức năng thuộc BHXH đã tiến hành quy trình bổ nhiệm chức danh phó giám đốc cho bà Thảo.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị chưa làm rõ chữ "nếu" quan trọng trong văn bản này để cải chính tuổi cho bà Thảo. |
Trả lời PV, ông Trần Văn Hường, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, cho biết, đã đồng ý cho bà Thảo “trẻ lại” 2 tuổi, dựa vào giấy khai sinh được lập tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) vào năm 1971 có ngày, tháng, năm sinh là 2/2/1965. Ông Hường nói: “Chúng tôi đã gửi giấy khai sinh này xin ý kiến của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, sau đó được xác nhận là giấy khai sinh gốc”.
Theo tìm hiểu của PV, trong văn bản của Sở Tư pháp chỉ khẳng định: “Nếu trước đó bà Thảo chưa thực hiện việc đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền”, thì giấy khai sinh trên mới được xem là gốc. Về vấn đề này, ông Hường nói thêm: “Bà Thảo khẳng định rằng, trước giấy khai sinh được làm vào năm 1971 thì chưa từng thực hiện việc đăng ký khai sinh”.
Rõ ràng, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh chưa đi xác minh xem chữ “nếu” trong văn bản của Sở Tư pháp đã nêu ở trên.
Trước đó, tổ thẩm định của BHXH tỉnh Quảng Trị đã tiến hành điều chỉnh nhân thân cho bà Thảo vào ngày 21/2/2013, nhưng cũng chỉ dựa vào tờ giấy khai sinh được cấp vào năm 1971. Ông Mai Thanh Bình, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị, tổ trưởng tổ thẩm định, trả lời với PV: “Chúng tôi không quan tâm đến những thắc mắc hay có gì đó không hợp lý. Chỉ căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ mà bà Thảo cung cấp để điều chỉnh lại năm sinh”.
Quy trình bổ nhiệm là của BHXH Việt Nam
Theo ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh lập năm 1971 tại Hà Tĩnh thì bà Thảo sinh năm 1965. Trong hồ sơ quân nhân thì người có tên trên nhập ngũ tháng 4/1981 - lúc 16 tuổi - là vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự. Trả lời về vấn đề này, bà Thảo nói: “Do muốn được đi bộ đội, nên khai thêm 2 tuổi”.
Rồi sau đó, bà Thảo được kết nạp Đảng vào năm 1997, trong đó năm sinh của bà được khai và ghi là 1963 (bản hồ sơ đảng viên được xác nhận khai đúng với sơ yếu lý lịch đảng viên ngày 8/1/1986).
Vào năm 1971, bà Thảo đã có giấy khai sinh có năm sinh 1965, nhưng đến khi được kết nạp Đảng lại lấy năm sinh là 1963. Đến ngày 30/8/1995, bà Thảo hoàn thành tấm bằng tốt nghiệp bổ túc trung học cũng với năm sinh là 1963. Vậy, nếu không có giấy khai sinh chứng nhận bà Thảo sinh năm 1963 thì làm sao bà được kết nạp Đảng, làm sao được cấp bằng tốt nghiệp?
Trong hồ sơ đảng viên, bà Thảo khai năm sinh là 1963 và cam đoan rằng: “Tôi xin cam đoan rằng, lời khai trên đây của tôi là đúng sự thật, nếu có gì sai tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước tổ chức Đảng”, nếu bây giờ bà Thảo “trẻ lại” 2 tuổi thì có phải lời cam đoan trên chẳng có ý nghĩa gì.
Bà Lê Thị Khỏe, Giám đốc BHXH tỉnh, thanh minh rằng: “Quy trình bổ nhiệm là của BHXH Việt Nam, không phải của BHXH tỉnh Quảng Trị. Và trước đây bà Thảo đã nằm trong quy hoạch, đã được phê duyệt”.